Ghi nhãn nhập nhèm
Do quy định xử phạt về hành vi vi phạm nhãn mác trong sản xuất và kinh doanh phân bón còn quá thấp nên nhiều doanh nghiệp lợi dụng vào điều này mà nhập nhèm về ghi nhãn mác cũng như nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.
|
Cách ghi nhãn như trên mẫu bao bì phân bón của Công ty TNHH SX-TMDV Phân bón Nhật Mỹ khiến người tiêu dùng rất dễ bị lầm với sản phẩm phân DAP 18-46 ngoại nhập, nhưng thực chất đây là sản phẩm NP 18-20
Với mức xử phạt về hanh vi vi phạm hành chính trong nhãn hàng hóa đối với mặt hàng phân bón hiện nay là quá nhẹ, không đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp có hành vi gian dối trong kinh doanh, chính vì vậy mà trên thị trường hiện nay vẫn tràn lan hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho bà con nông dân đồng thời ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và thương hiệu của họ. Đặc biệt là ảnh hưởng đến cây trồng và chất lượng các mặt hàng nông sản do bón phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Ngoài những thương hiệu phân bón lớn, uy tín trên thị trường thì cũng có rất nhiều các loại phân bón ghi nhãn mác “rất ngoại”. Nhưng thực chất là phân do các công ty nhập nguyên liệu về phối trộn hoặc là nhập từ Trung Quốc nhưng lại thay cái tên tiếng anh theo kiểu nửa tây nửa ta vào để “đánh lừa” nông dân.
Các sản phẩm Phân bón NP 20-20; NP 18-20 của hàng loạt các công ty khác nhau, mới nhìn vào người tiêu dùng cứ nghĩ đây là sản phẩm DAP được nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, khi nhìn vào nhãn phụ nhỏ xíu được may kẹp vào phía miệng bao, hoặc in trực tiếp trên vỏ bao chúng tôi mới biết đây không phải là sản phẩm DAP mà là sản phẩm NP 20-20 hay NP 18-20 của các công ty phân bón khác nhau.
Người tiêu dùng, đặc biệt là nông dân nếu không tinh ý sẽ rất dễ bị nhầm lẫn sản phẩm này với sản phẩm DAP bởi trên bao bì ghi dòng chữ: nguồn gốc nguyên liệu từ: DAP 18-46-0 (trong khi chữ nguồn gốc nguyên liệu thì ghi nhỏ bên trên còn chữ D.A.P 18-46-0 bên dưới thì ghi rất to), nếu người dân không tinh ý sẽ lầm tưởng đây là sản phẩm phân bón DAP của Hàn Quốc hay của một quốc gia nào đó. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi thì loại phân đen NP này là của Trung Quốc sản xuất.
Thậm chí trên các trang mạng xã hội người ta còn chào bán như là sản phẩm DAP nhập khẩu
Cần xử lý nghiêm hành vi gian dối
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng ở các địa phương như: Bình Phước, Đồng Nai, Long An liên tục phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói là phân bón giả, nhái ngày càng nhiều nhưng các cơ quan chức năng lại thiếu quyết liệt trong xử phạt.
Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) – Bộ Công an đã phát hiện và xử lý xưởng sản xuất phân bón giả thuộc chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino có địa chỉ tại 272/81 Tổ 9A, Khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Còn tại Long An, cơ quan Công an cũng phát hiện Công ty TNHH Minh Phát có dấu hiệu sản xuất tiêu thụ phân bón giả tại Kho B3, đường số 01 KCN Tân Kim, huyện Cần Giuộc; tại tỉnh Bình Phước, cơ quan chức năng cũng vừa ra quyết định xử lý, buộc áp dụng các biện pháp khắc phục đối với 4 trường hợp phân bón không đạt chất lượng, buộc tiêu huỷ toàn bộ số phân bón không đạt chất lượng trên.
Dư luận đặt câu hỏi rằng: phải chăng mức xử phạt hành chính về vi phạm nhãn mác trong vật tư nông nghiệp nói chung và vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón nói riêng hiện nay đang quá nhẹ nên các doanh nghiệp làm ăn gian lận vẫn chấp nhận sai phạm và đóng phạt để bán hàng!?
Trong những năm qua, tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn xảy ra hiện tượng kinh doanh buôn bán phân bón không đúng với giá trị, công dụng đã đăng ký, chất lượng phân bón không đạt, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, gây thiệt hại về kinh tế cho bà con nông dân. Chính vì vậy mà rất cần sự vào cuộc đồng bộ và mạnh tay hơn nữa của các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản Việt.