Khuya 8/2, đoàn công tác của TP Hồ Chí Minh đã đi kiểm tra thực tế, làm việc với ban quản lý, tiểu thương 2 chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và Hóc Môn. Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết về nguồn hàng chuẩn bị cho tết, các tiểu thương kinh doanh tại chợ đã ký hợp đồng với các hộ sản xuất dự trữ hàng hóa.
Dự kiến cao điểm tết năm nay (từ 26 - 28 Tết), lượng hàng về chợ sẽ tăng dần, có thể đạt từ 7.000 - 7.500 tấn/đêm, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ, trong đó lượng rau dao động từ 2.700 - 3.000 tấn/ngày, trái cây từ 4.300 - 4.500 tấn.
Trái cây mùa Tết tại chợ đầu mối |
Điều đáng lưu ý, ở nhóm các mặt hàng trái cây chủ lực phục vụ tết như xoài, mãng cầu, quýt, bưởi, thanh long… sản lượng có khả năng giảm do thời tiết thất thường, mưa nhiều và mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái cây, đồng thời làm tăng chi phí sản xuất do sâu bệnh gia tăng.
Theo dự báo của Công ty Chợ Thủ Đức, các ngày cao điểm tết mặt hàng bưởi có thể đạt 150 - 170 tấn/ngày (trong khi cao điểm năm trước là 190 tấn/ngày), xoài 100 - 120 tấn/ngày (năm trước là 130 - 150 tấn/ngày)… Do nguồn cung giảm, nhiều khả năng giá bán đối với các mặt hàng này sẽ tăng cao vào những ngày cận tết. Hiện giá bưởi da xanh mua tại vườn ở mức hơn 70.000 đồng/kg, cao hơn mức bình quân cùng kỳ năm 2017 khoảng 20.000 đồng/kg. Tương tự, là mặt hàng hoa tươi cắt cành.
Nhiều loại trái cây đặc sản ở miền Tây như: vú sữa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, chôm chôm… đang có giá cao. Năm nay do thời tiết không thuận lợi, nguồn cung ít nên dự báo giá trái cây dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng mạnh.
Nhà vườn trồng chôm chôm tại các xã cù lao huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đang được thương lái thu mua với giá cao 23.000 đồng/kg đối với chôm chôm Java và chôm chôm Thái là gần 40.000 đồng/kg. Cách đây hơn nửa tháng, có thời điểm chôm chôm Java lên đến 35.000 đồng/kg và chôm chôm Thái lên đến gần 50.000 đồng/kg.
Tại HTX Vú sữa Lò Rèn (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) hiện mỗi ngày cung ứng cho thị trường phía Bắc từ 500-700 kg vú sữa nhưng có ngày không đủ hàng giao. Hiện giá vú sữa loại 1 là 40.000 đồng/kg, loại 2 giá 32.000 đồng/kg.
Giáp Tết Nguyên đán 2018, trái cây trên thị trường Hà Nội bắt đầu tăng giá mạnh, đặc biệt là các loại trái cây thuộc mâm “ngũ quả” để thắp hương dịp Tết như chuối, bưởi, phật thủ… tăng giá theo từng ngày. Dự báo, giá trái cây còn tiếp tục tăng đến ngoài rằm tháng Giêng.
Chuối xanh đang hút hàng nhất hiệm nay, rồi tới bưởi, cam Canh... Tại một số chợ dân sinh như Mai Dịch, Thành Công, Nghĩa Tân…, chuối xanh đang bị làm giá với mức tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước kia. Với những nải chuối to, đẹp để thắp hương thì giá có thể lên tới 200.00-300.000 đồng/nải, trong khi chỉ 1 tháng trước giá chỉ 20.000-30.000 đồng/nải. Với phật thủ, một quả đẹp để mâm ngũ quả ngày Tết cũng có giá 100.000 đồng.
Giá cam Canh tại các chợ cũng đang tăng chóng mặt. Trong khi ở tháng 1, giá cam Canh bán tại các chợ chỉ vào khoảng 30.000-40.000 đồng/kg loại đẹp thì nay đã tăng lên ở mức 60.000-70.000 đồng/kg. Theo dự báo của các tiểu thương, giá trái cây sẽ còn tiếp tục tăng và đứng ở mức cao đến ngoài rằm tháng Giêng.
Đối với mặt hàng chuối xanh có mức tăng giá mạnh, theo các tiểu thương là do tăng giá từ gốc. Tại thủ phủ chuối Hà Nam, giá người dân trồng chuối bán ra đã ở mức 100.000 đồng/kg. Lý giải của người trồng chuối cho hay, do năm nay, thời tiết khá thất thường, mùa đông nhưng mưa nhiều, cộng với giá rét sớm khiến chuối khó phát triển.
Bên cạnh đó, một số loại trái cây cũng tăng giá ăn theo dịp Tết Nguyên đán như táo xanh to có giá 45.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với trước đây; xoài ngọt 60.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; vú sữa 70.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Không những trái cây, mà một số loại hoa cũng đã bắt đầu tăng, như: hoa cúc có giá 6.000 đồng/bông, hoa hồng 6.000 đồng/bông, tăng khoảng 1.000 đồng/bông so với tháng trước đó.
Các chuyên gia thị trường cho rằng, đã thành thông lệ, dịp Tết Nguyên đán và ngoài Giêng, giá các loại thực phẩm tươi sống từ trái cây, rau củ đến thịt, cá đều tăng giá, cá biệt có một số mặt hàng tăng giá mạnh như trái cây, rau xanh. Và giá cả thực phẩm sẽ còn tăng từ nay đến chính Tết Nguyên đán. Mặc dù Hà Nội cũng triển khai nhiều điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết nhưng không đáp ứng hết nhu cầu của người tiêu dùng