Sáp nhập Southern Bank, Sacombank gánh luôn nợ xấu của ngân hàng này. Trong ảnh: Cổ đông bỏ phiếu thông qua phương án sáp nhập tại Đại hội cổ đông bất thường Sacombank. |
Ngày mai, 30-6, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ tiến hành đại hội cổ đông cho năm tài chính 2016 và 2017.
Ngoài câu chuyện nhân sự, vấn đề được cổ đông quan tâm nhất là đề án tái cấu trúc và xử lý nợ xấu tại Sacombank.
Báo cáo thường niên năm 2016 mà Sacombank mới công bố gần đây đã tiết lộ ngắn gọn về đề án tái cấu trúc này.
Theo đề án tái cấu trúc, Sacombank đặt mục tiêu trong vòng 3 năm phải giải quyết căn bản từ 65% - 75% nợ xấu/tài sản tồn đọng mà Sacombank đã và sẽ bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC).
Quá trình tái cấu trúc cũng sẽ gắn liền với xử lý các vấn đề tài chính tồn đọng dứt điểm trước năm 2020.
Trong vòng 3 năm đầu tiên sau khi sáp nhập, ngân hàng phải đưa thu lãi thuần quay trở về mức như trước khi sáp nhập.
Để đạt được mục tiêu này Sacombank sẽ thực hiện nhiều giải pháp trong đó chú trọng tăng tốc hoạt động kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh cho vay phân tán và tăng trưởng tín dụng có chọn lọc với mức bình quân 18% - 20%.
Ngoài ra, Sacombank sẽ nâng dần tỉ trọng các khoản thu phi tín dụng mà mũi nhọn là thu dịch vụ, nâng cao năng lực quản lý rủi ro và kiểm soát chất lượng tín dụng với mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới mức 3%.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, Sacombank có 13.166 tỉ đồng nợ xấu, tương đương với 6,8% dư nợ.
Nếu tính cả số nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) là 37.300 tỉ đồng thì tổng số nợ xấu của Sacombank khoảng 50.000 tỉ đồng.
Ngoài ra Sacombank còn 21.500 tỉ đồng dự thu từ 2015 trở về trước được Ngân hàng Nhà nước cho phép khoanh lại và 9.000 tỉ đồng từ tài sản cấn trừ nợ.
Trước đó trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết khoản nợ xấu này phần lớn từ Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Theo ông Tuấn, trước đây Southern Bank cho vay theo quan điểm dựa vào tài sản đảm bảo. Tuy nhiên do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2008 đến 2012 làm phát sinh nợ xấu và kéo dài đến nay chưa thể giải quyết được.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm là phần lớn khoản nợ xấu đến từ Southern Bank đều có tài sản đảm bảo tương đối đầy đủ. Tuy nhiên thời gian qua việc xử lý bị vướng do cơ chế và do ảnh hưởng từ việc thị trường bất động sản bị đóng băng.
Còn hiện nay tính thanh khoản của thị trường bất động sản đã được cải thiện.
Với Nghị quyết về việc xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua cho phép khi khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng được phép bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ mà không phải qua tòa án thì quá trình xử lý nợ xấu của Sacombank sẽ được đẩy nhanh hơn.
Mục tiêu 585 tỷ lợi nhuận năm 2017 Qua hơn một năm sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, kết thúc năm tài chính 2016, tổng tài sản của Sacombank đạt 329.187 tỉ đồng, tăng 13,4% so đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 21.752 tỉ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm, trong đó, vốn điều lệ đạt 18.852 tỉ đồng. Đến ngày 31-12-2016, tổng nguồn vốn huy động của Sacombank đạt 302.806 tỉ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm, đạt 124,9% hế hoạch. Dư nợ tín dụng đạt 232.157 tỷ đồng, tăng 18,6%. Sacombank cũng giảm cho vay lĩnh vực có rủi ro cao như giảm cho vay kinh doanh bất động sản giảm 1,9%, cho vay chứng khoán giảm 0,2%. Do phải tập trung mọi nguồn lực nhằm tái cơ cấu, xử lý nợ xấu nên lợi nhuận trước thuế của Sacombank giảm mạnh, chỉ còn 97 tỉ đồng. Năm 2017, Sacombank đặt mục tiêu 585 tỷ lợi nhuận sau thuế, mức tăng đến 276% so với năm 2016. |