Cụ thể, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng trong tháng 8/2018.
Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 0,87%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,12% (làm CPI chung tăng 0,25%). Theo đó, giá thịt heo tăng 3,41% so với tháng trước nên giá các sản phẩm chế biến từ thịt heo cũng tăng lên; giá rau xanh tăng 2,87% do ảnh hưởng của mưa bão, lũ quét. Nhóm lương thực tăng nhẹ 0,1%.
Giá thịt heo tháng 8 tăng 3,41% so với tháng 7/2018.
Nhóm giáo dục tăng 0,46% do trong tháng có 14 địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86 ngày 2/10/2015 của Chính phủ. Nhóm nhà ở vật liệu và xây dựng tăng 0,44% ( trong đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,42%; giá gas tăng 2,8% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá gas vào thời điểm 1/8/2018).
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; nhóm giao thông tăng 0,13%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%. Hai nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và thiết bị, đồ dùng gia đình cùng tăng 0,1%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.
Tính ra, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 8/2018 tăng 2,59% so với tháng 12/2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2018 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Chỉ số giá vàng tháng 8/2018 giảm 1,41% so với tháng trước, giảm 0,93% so với tháng 12/2017 và tăng 0,33% so với cùng kỳ năm trước.
Giá USD biến động khá mạnh trên thị trường thế giới nhưng ở Việt Nam, tỷ giá VND/USD vẫn dao động trong biên độ 3%, Tổng cục Thống kê đánh giá phù hợp với tình hình thị trường trong nước và quốc tế.
Chỉ số giá USD tháng 8/2018 tăng 1,12% so với tháng trước; tăng 2,43% so với tháng 12/2017 và tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2017.