Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
|
Bộ Tài chính vẫn tăng kịch khung thuế BVMT xăng dầu. Ảnh minh họa |
Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.
Đây không phải lần đầu tiên, Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng kịch trần khung thế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Và lần nào đưa ra, Bộ Tài chính cũng bị phản đối kịch liệt. Các ý kiến phản đối đều cho rằng mức thuế tăng rất vô lý.
Để bảo lưu quan điểm đánh thuế cao của mình, tờ trình do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ký cũng dẫn ra một số liệu thống kê được Bộ lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông điện tử của ngành.
Cụ thể, trong tổng số 77 ý kiến tham gia góp ý thì có 19 ý kiến của các bộ ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp, tổ chức khác.
Về cơ bản, theo Bộ Tài chính, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết về nội dung của dự thảo. Trong đó, 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn. Các ý kiến còn lại cũng được Bộ giải trình, tiếp thu...
Lý do Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế đối với mặt hàng xăng dầu là do việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (hiện Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do).
Bộ Tài chính cho rằng vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Cụ thể, xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN và Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%). Bên cạnh đó, việc thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.
Ngoài ra, theo giải thích của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ dưới lên trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít. Theo đó, giá xăng Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia, Trung Quốc và thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, châu Á như Singapore, Philippines, Hồng Kông.
Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường)...
Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại.
Cụ thể, đối với than đá, mức tăng dự kiến thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu mà Bộ Tài chính nhẩm tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.
Đối với mặt hàng túi nilon, với đề xuất tăng 10.000 đồng/kg (từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ đạt khoảng 67,5 tỷ đồng, tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm.
Đối với mặt hàng dung dịch, với đề xuất tăng 1.000 đồng mỗi kg (từ 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ vào khoảng 63,5 tỷ đồng, tăng khoảng 12,7 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, nếu phương án được tăng qua, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.