Thứ 6, 22/11/2024, 11:02 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Giữa Sài Gòn nghe ‘nẫu’ hát bolero, nhớ quê nhà thao thức

Giữa Sài Gòn nghe ‘nẫu’ hát bolero, nhớ quê nhà thao thức
(Tieudung.vn) - Dù chưa nghe tiếng “nẫu” nào phát ra, nhưng cái âm “e” và vần “in” cất lên trên sân khấu, đặc sệt ngọn lúa bờ tre, luống khoai gốc rạ, là thấy ngay xứ sở bánh ít lá gai, nón lá Gò Găng, bánh tráng nước dừa, nồng nàn Bàu Đá... Đêm chung kết tiếng hát bolero của Hội đồng hương Bình Định trở thành cuộc giao lưu nồng ấm của những người con tha hương lập nghiệp đất phương Nam.

Không rõ những người miệt khác thì sao, chớ tôi quê quán Hoài Ân thuộc Bắc Bình Định, tôi nghe cái âm “e” và vần “in” quen lắm. Không lẫn vào đâu được, dù thí sinh có sửa giọng, đổi tiếng, có ca mùi mẫn đến đâu. Bởi nó là tôi mất rồi! Nói tiếng có âm “e” thì hai cái khóe mép bè ra, cái môi dưới trề xuống, không bè là không chịu được. Còn tiếng có âm “in”, xứ khác người ta nói thì cái đầu lưỡi chấm vào gốc răng trên, còn người Bình Định, dù chả biết sợ cái gì đâu, nhưng mà cái đầu lưỡi vẫn… thụt vô đâu mất! Thành ra, nghe tiếng “xin” trong câu “Xin em xem anh như một ga nhỏ dọc đường” (Lời đắng cho cuộc tình - thí sinh Đinh Văn Sĩ), là biết ngay người quê mình, trúng phóc! Nhận ra ngay bởi cái chất mộc mạc quê mùa của quê tôi đó!

Mô tả ảnh
Phần thi của thí sinh nhỏ tuổi nhất Đường Thi Bích Hạnh.

Chưa đâu, tôi đi xa quê hương cũng khá lâu nên còn nói là “rồi”, chớ ở quê thì phát âm luôn là “rầu”. Ngoài từ “nẫu” nổi tiếng cả nước, là đại từ nhân xưng cho cả 3 ngôi số ít và cả số nhiều ra (cái này tôi sẽ nói vào một dịp khác), thì có những từ khác cũng nghiệt ngã không kém. Ví dụ nơi khác gọi cái thứ bột phết lên lá trầu là “vôi”, thì quê tui gọi phắt là “cục dâu” cho nó gọn! Con gái xứ khác miền khác về Bình Định làm dâu, bị bà ngoại nhờ đi mua giùm “cục dâu”, chắc chết, không biết đâu mà lần! 

Cũng vì “ôi” mà nói thành “âu”, nên cái đầu gối của người Bình Định cả đời oan khuất bởi bị gọi là… “đầu gấu”! À mà còn nữa, vậy chớ tiếng “tới” (đi tới), theo phát âm của người Bình Định, thì phải viết ra là “tấi”, một cái chữ viết kỳ dị không có trong từ điển tiếng Việt! Còn nữa, đầu phía Bắc Bình Định âm “e” đặc sệt, như cái “thau” thì không chịu nói, mà nói là “the…eo”; tiếng “mắm” thì thêm “e” vào phía trước, đọc thành “meắm”. Người tỉnh khác đọc cho giống chừng 80% chắc đã méo cả miệng, trẹo cả lưỡi!

Ấy vậy mà đêm nay đây, giữa đất Sài Gòn hoa lệ này, cái chất mộc mạc quê mùa đó cất lên, khiến lòng tôi xiết bao nhung nhớ.

“Zề tới đầu làng, con chim sáo nhỏ hót zang rộn ràng. Qua nhịp cầu tre, qua mấy con đê thắm đượm tình quê…” (Hình bóng quê nhà - Thí sinh Lê Văn Mười)… Trời ơi, cố nhạc sĩ Thanh Sơn, ông đã “tấi” quê tui hầu nào chưa mà viết cứ y như là ngay đầu xóm nhà tui zậy? Ôi thân thương biết mấy. Đã vậy lại còn

Nhờ ai, em tôi qua lấy chồng làng bên?
Nhờ ai, ai đem ngô lúa về ngoài hiên?
Cầu ơi! Ai đem tình gieo tràn khắp miền
Lòng cầu như đôi cánh chim hiền...

(Mấy nhịp cầu tre - Thí sinh Nguyễn Văn Út)

Mô tả ảnh
Thí sinh Lê Văn Mười.

Cứ ngỡ đâu đây chiếc cầu phao bắc từ xã Ân Hảo Đông qua Ân Hảo Tây, từ Mỹ Thành (xã Ân Mỹ) bắc qua Năng An (xã Ân Tín) huyện Hoài Ân; là chiếc cầu phao để con trai thôn Phú Văn (xã Ân Thạnh huyện Hoài Ân) băng qua con sông Lại, qua tán tỉnh con gái thôn Trung Lương (xã Bồng Sơn huyện Hoài Nhơn) bên kia sông. Con gái Trung Lương quyến rũ, mềm mại, da trắng tóc dài nhờ tắm bông bưởi Thanh Trà, mà ngày nay người ta gọi là

Người Bình Định không kêu bưởi, mà là kêu bòng. Bòng Bồng Sơn nổi tiếng ngày ấy, chính là bưởi Thanh Trà, là bưởi da xanh ngày nay. Bòng Bồng Sơn có giá trị kinh tế rất cao, hiện đang được trồng nhiều ở thôn Lại Khánh và Lại Khánh Tây xã Hoài Đức. Bưởi da xanh có ở Bồng Sơn rất lâu, không biết từ đời nào, chỉ biết khi tôi còn nhỏ, đã nghe má tôi ru em tôi trong võng (quê tôi không có nôi, mà trẻ con đẻ ra là nằm võng, lấy cây đũa bếp căng hai cái mép võng hai bên cho rộng ra):

Mít non ăn với mắm còng
Thấy anh xanh vỏ đỏ lòng mà thương…

Từ cách đây mấy chục năm, khi vừa qua tuổi thiếu niên chớm bước vào thanh niên, từ Ân Hảo (Hoài Ân) mỗi khi về quê ngoại ở thôn Trung Lương xã Bồng Sơn (Hoài Nhơn), thế nào tôi cũng tìm cách lân la gần gần để hít mùi tóc các cô gái cùng trang lứa. Những cô gái mười sáu phổng phao, da trắng nõn nà nhờ tắm dòng sông Lại, tóc tỏa hương ngát cả đêm sâu, con trai đi cưa cẩm, được nẫu cho ngồi bên mà không bị đuổi đi, là đã sướng lắm rầu! Bởi chỉ cần cái hương bưởi nồng nàn tỏa ra từ thịt da con gái và làn tóc dài như suối, đã làm cho ngây ngất!

Mô tả ảnh
Trao giải.

Nói chuyện thời niên thiếu, mới thấy lòng mình dào dạt lên như trở về thời mười tám đôi mươi khi nghe giọng ca trong ngần vút lên: 

Chiều nao anh với em 
Nép bên thềm mưa hai đứa xem 
Dù đôi ta mới quen, 
Chút kỷ niệm nhưng anh khó quên 

Ngồi bên nhau trú mưa, 
Biết em về không ai đón đưa 
Đường xa trơn lối thưa, 
Chúng ta cùng đi chung dưới mưa 

Ôi cái ký ức một thời trẻ trung, ngọt ngào và say đắm, nó kéo ta về một thuở mấy mươi năm. Nữ thí sinh nhỏ tuổi nhất, Đường Thị Bích Hạnh, mới có mười chín tuổi, trong máu áo trắng chấm hoa sắc hồng, khuôn mặt xinh xắn, bước lên là sáng trưng sân khấu. Bé là nữ thí sinh duy nhất, lại xinh đẹp, giọng hát ngọt na ná Dương Hồng Loan, tuy nhiên còn quá trẻ để hát dòng nhạc tuy bình dân nhưng đòi hỏi rất nhiều trải nghiệm này. Tuy thế, tiếng hát ngọt thanh của bé, những động tác hình thể, gương mặt xinh như thiên thần của bé đã chinh phục hoàn toàn những người ngồi bên dưới. Còn tôi, nhìn bé, nghe bé hát, tôi nhớ về tuổi trẻ của mình, một thời nôn nao đứng đầu ngõ chờ bạn gái, để rồi trách để rồi ấm ức để rồi đêm về nhớ mong:

Chiều nay không có em, 
Gió mưa về nghe thương nhớ thêm 
Làm sao anh biết tên? 
Chút kỷ niệm sao em nỡ quên! 

Lưu Hoàng Nhân nhận giải xuất sắc giọng hát bolero Bình Định cúp Hưng Thịnh
Lưu Hoàng Nhân nhận giải xuất sắc giọng hát bolero Bình Định cúp Hưng Thịnh
(Tieudung24h.vn) - Đêm 11/11, Ban Tổ chức cuộc thi giọng hát bolero của Hội đồng hương Bình Định tại TP.HCM đã trao giải xuất sắc cho Lê Hoàng Nhân.

8 thí sinh, 8 giọng ca, mỗi người một vẻ, nhưng tôi nhận ra cái giống nhau nơi họ là tiếng nói quê hương thân thương. Tiếng là cuộc thi, nhưng đúng hơn là cuộc giao lưu, cuộc chơi mới là đúng nghĩa. Trong bài phát biểu đánh giá của mình, ông Lê Minh Tổng, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Bình Định, cũng đã nói như vậy. Mà là cuộc chơi, cuộc giao lưu cũng đúng, bởi cứ hễ sân khấu rảnh ra là người ta lại nhảy lên cầm micro hát giao lưu ngay. Kể cả ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp), đơn vị tài trợ, đồng hành suốt cuộc chơi thời gian qua, cũng tham gia với bài “Đường xưa lối cũ”, chủ quán Melody cũng hào hứng với một sáng tác của Châu Kỳ. 

Ông Lê Minh Tổng gửi gắm, từ cuộc chơi này  hy vọng sẽ là câu chuyện gắn kết của những người con xa quê, tụ họp lại với nhau nơi vùng đất phương Nam, cho nhau hơi ấm tình cảm, và tìm cơ hội làm ăn với nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. 

Tags:
4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.99500 sec| 793.883 kb