Đề thi gồm 150 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có 18 câu hỏi dạng điền đáp án, được thực hiện trong vòng 195 phút gồm 3 phần: Tư duy định lượng: 50 câu hỏi – 75 phút; Tư duy định tính: 50 câu hỏi – 60 phút; Khoa học: 50 câu hỏi – 60 phút.
Các câu hỏi của bài thi được đánh số lần lượt từ 1 đến 150 gồm 132 câu hỏi trắc nghiệm khách quan và 18 câu hỏi điền đáp án. Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời được 0 điểm.
Mỗi câu hỏi trắc nghiệm có một đáp án duy nhất được lựa chọn từ các đáp án A, B, C hoặc D cho trước. Thí sinh chọn đáp án bằng cách nhấp chuột trái máy tính, vào ô tròn trống (○), máy tính sẽ tự động ghi nhận và hiển thị thành ô tròn màu đen (●). Trường hợp bạn chọn câu trả lời lần thứ nhất và muốn chọn lại câu trả lời thì đưa con trỏ chuột máy tính đến đáp án mới và nhấp chuột trái. Ô tròn màu đen mới (●) sẽ được ghi nhận và ô tròn cũ sẽ trở lại trạng thái ban đầu (○).
Đối với các câu hỏi điền đáp án, thí sinh nhập đáp án vào ô trống dạng số nguyên dương, nguyên âm hoặc phân số tối giản (không nhập đơn vị vào đáp án).
Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời được 0 điểm. Vì thế, học sinh hãy thận trọng trước khi lựa chọn đáp án của mình.
Đề thi được rà soát từ hơn 12.000 câu hỏi của ngân hàng đề thi đánh giá năng lực năm 2016 để lựa chọn những câu phù hợp với ba nhóm năng lực nêu trên, kết hợp với hơn 3.500 câu hỏi được xây dựng trong giai đoạn 2017-2020, đảm bảo tính toàn diện của kỳ thi, cân bằng độ khó của từng đề.
Về lý do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức bài thi đánh giá năng lực, GS Đức chia sẻ, theo Luật Giáo dục đại học, việc tuyển sinh sẽ được giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT hướng tới mục tiêu chỉ phục vụ xét tốt nghiệp. Do vậy, các trường đại học phải chủ động có phương án tuyển sinh riêng.
Từ đó, Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định khởi động lại kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT với nhiều mục đích, trong đó có mục tiêu trước mắt sử dụng kết quả kỳ thì này bổ sung phương án tuyển sinh vào các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc.
Ngoài ra, bài thi đánh giá năng lực còn phục vụ cho nhiều mục đích như: Đánh giá năng lực của học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông mới; định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng kiến thức và năng lực cá nhân; kiểm tra kiến thức tự nhiên, xã hội, tư duy, kỹ năng, thái độ của người học... Đây là một trong những căn cứ quan trọng để xếp loại các trường THPT, góp phần xây dựng, hoàn thiện chính sách quốc gia về giáo dục đào tạo.