Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Phổ thông cho biết thông tin trên tại tại buổi kiểm tra, khảo sát của Bộ GD&ĐT về tình hình triển khai thực hiện học bạ số, xây dựng học liệu số đối với giáo dục phổ thông tại TP Hồ Chí Minh chiều qua (ngày 3/4).
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo ông Tài, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nhiệm vụ của các trường không chỉ là dạy kiến thức mà còn phải tạo môi trường để học sinh được phát triển năng lực theo yêu cầu của từng môn. Để làm được điều đó, trường học phải dạy 2 buổi trên ngày.
Trước đây, việc này đã bắt buộc ở tiểu học, còn ở cấp THCS và THPT được khuyến khích. Ông Tài nói thời gian tới, Bộ sẽ sửa đổi, yêu cầu hai cấp học này phải dạy 2 buổi trên ngày.
"Dạy học 2 buổi trên ngày để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh là nhiệm vụ không thể chậm trễ hơn. Nơi nào chưa đảm bảo là còn nợ học sinh", ông nhấn mạnh.
Ông Tài nhận định, dạy học 2 buổi trên ngày sẽ khai thác hết công năng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhưng vẫn cần minh bạch nội dung nào do trường thực hiện, nội dung nào cần hỗ trợ từ bên ngoài. Dự kiến trong tháng 5, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn, làm rõ từng nội dung để tạo thuận lợi cho nhà trường khi triển khai.
Vụ trưởng Thái Văn Tài lưu ý, khi dạy 2 buổi/ngày nhà trường không thể gộp dạy tất cả các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào buổi sáng mà thời khóa biểu cần thiết kế, sắp xếp rải đều ở cả 2 buổi nhằm giảm áp lực cho học sinh. Ngoài ra cần khai thác các chủ đề, chuyên đề học tập để biến kiến thức thành năng lực cho học sinh. Các chủ đề, chuyên đề được tổ chức khác hoàn toàn với việc dạy môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Dự kiến có 5 nội dung bắt buộc nhà trường phải đưa vào nội dung giáo dục của nhà trường khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là: Giáo dục hình thành kỹ năng số cho học sinh; Giáo dục STEM; Giáo dục hướng nghiệp; Luật An toàn giao thông; Chuyên đề, hoạt động giáo dục hình thành năng lực cho học sinh.