Gói bánh chưng ngày Tết |
Mỗi năm chỉ họp chợ một lần bắt đầu vào ngày 20 tháng chạp (tức 20/12 âm lịch), chợ lá dong Ông Tạ từ lâu đã trở thành điểm hẹn của người Sài Gòn mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Không băng rôn, biển hiệu, khu chợ nằm tại ngã ba Ông Tạ, trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Quận Tân Bình, TPHCM) và kéo dài hơn 500m. Cả đoạn đường này được phủ kín một màu xanh của lá dong, lá chuối được các tiểu thương bày bán dọc bên đường.
Cả đoạn đường khoảng 500m được phủ kín một màu xanh của lá dong, lá chuối nhưng rất ít người mua. |
Dọn hàng ra bán từ ngày đầu khai chợ, chị Nguyễn Thị Lan (Đồng Nai) cho biết: "Tôi bán ở chợ này cũng gần chục năm rồi, mọi năm đưa ông Táo về trời là bán đắt lắm, khách mua nườm nượp. Năm nay, mặc dù 23 Tết rồi mà khách cứ lai rai, không bán được bao nhiêu. Năm nay mọi người làm ăn cũng khó khăn, với một số mối lớn thì họ đổ lên tại vườn để lấy, vì họ cũng nghe nhiều người là giá rẻ hơn. Bởi vậy năm nay bán chậm.”
Dong bán thường được bó thành từng bó 50 lá và được chia thành 3 loại với mức giá khác nhau. “Lá đại thì 100.000đ/bó, lá nhất thì 60.000đ/bó, còn những lá nhỏ thường gọi là lá trung chỉ để làm lá lót chỉ dao động khoảng 15.000 -20.000đ/bó. Lá này thì không bị vàng nhưng nếu bán không được thì cũng phải bỏ vì để lâu sẽ héo, không tươi là khách không mua”, chị Lan chia sẻ.
So với năm rồi thì sức mua lá dong năm nay giảm mạnh |
Những tiểu thương ở đây cho biết, lá dong được chọn mua từ nhà vườn ở huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP HCM), huyện Gia Kiệm, Thống Nhất, Tân Phú (Đồng Nai) và cả huyện Madagui, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), ưu điểm của các loại lá dong này có màu xanh óng, lá dai, tròn to nên được mọi người ưa chuộng. Kinh nghiệm của thương lái để lá dong không bị rách, dập nát trong quá trình vận chuyển, họ thường chọn lá dong “bánh tẻ” (tức không già cũng không non quá), thì khi gói chiếc bánh mới được đẹp, vuông vắn, bánh mới xanh.
Những lá dong ở đây đều được chuyển về từ các huyện lân cận, đặc biệt còn có lá dong Bảo Lộc (Lâm Đồng) |
Theo nghề bán lá dong đã 5 năm, trước đó thường theo mẹ phụ bán, chị Nguyễn Thục Trinh (TP.HCM) tâm sự: "Mình bán ở đây mới 5 năm, nghề này do bà ngoại truyền lại, cũng vì muốn giữ gìn truyền thống của gia đình nên mổi dịp Tết thì thu xếp ra chợ bán. Nhưng mà năm nay bán chậm hơn năm rồi, mặc dù giá giảm nhẹ so với năm rồi nhưng bán lại rất chậm. Bình thường giờ này bán cũng được cả chục triệu một ngày".
Không chỉ riêng về lá dong, các tiểu thương cho biết lá chuối cùng không bán được nhiều. Lá chuối có hai loại, lá chuối thường với giá dao động từ 12.000 -15.000đ/kg, còn lá chuối hột được bán với giá 20.000đ/kg. “Mọi năm, tầm khoảng thời gian này lá chuối bán cũng được 30-40kg/ngày. Hôm nay thì bán được vài kg. Nói chung năm nay không nhộn nhịp bằng năm rồi”, chị Lan chia sẻ.
Lá chuối hột được bán với giá 20.000đ/kg |
Nhiều loại nguyên liệu khác để làm bánh chưng, bánh tét như lạt, khuôn làm bánh. |
Ngoài lá dong, lá chuối, chợ còn có nhiều loại nguyên liệu khác để làm bánh chưng, bánh tét như lạt, khuôn làm bánh. Lạt để cột bánh chưng được bán với giá 15.000đ/bó nhỏ gồm 10 sợi. Lạt để cột bánh được tước thành từng sợi từ ống cây tre nên rất chắc chắn. Trước khi cột bánh, lạt phải được ngâm trong nước khoảng 3-5 giờ để dây mềm. Còn khuôn làm bánh được bán với giá 15.000đ-35.000đ tùy theo kích thước.
Chợ lá dong Ông Tạ hình thành từ trước năm 1975, từ những di dân phương Bắc, với tinh thần giữ lấy truyền thống văn hóa xưa. Chợ chỉ họp mỗi năm một lần. Sở dĩ gọi là chợ Ông Tạ vì chợ nằm ngay khu vực ngã ba Ông Tạ (quận Tân Bình). Tiểu thương bán hàng tại chợ này quanh năm làm các nghề khác nhau, nhưng cứ đến gần Tết thì lại về đây bán lá dong, khuôn bánh phục vụ ngày Tết. Nơi đây đã trở thành một điểm hẹn độc đáo của nhiều người vào những ngày giáp tết ở Sài Gòn. |