|
Ảnh minh họa |
Nhiều chính sách mới được áp dụng từ 1/1/2019
Bắt đầu từ ngày đầu tiên trong năm mới 2019, nhiều chính sách lớn có ảnh hưởng đến hàng triệu người dân được thi hành. Tiêu biểu như: Nghị định số 157/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ về tăng mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp; Luật An ninh mạng có hiệu lực; Tăng kịch khung thuế môi trường với xăng, dầu...
Một trong những ảnh hưởng đầu tiên là việc xăng, dầu giảm giá ngay thời khắc giao thời năm mới. Theo đó, từ thời điểm 0h ngày 1/1/2019, giá Xăng E5RON92 giảm 515 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 538 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 1.092 đồng/lít; dầu hỏa giảm 818 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 733 đồng/kg.
Ban hành Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
Trong tuần Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Mục tiêu của Nghị quyết nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Theo Nghị quyết, từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn: Diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Ngoài những đơn vị chưa đạt 2 tiêu chuẩn nêu trên, khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được phần lớn nhân dân đồng thuận. Từ năm 2022 đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019 - 2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng |
Chính phủ ban hành 2 nghị quyết về phát triển kinh tế 2019
Ngày 1/1/2019, Chính phủ liên tiếp ban bành 2 nghị quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt yêu cầu về sự tăng tốc, sáng tạo, bứt phá, phát triển, hiệu quả.
"Bứt phá tựu chung lại là các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện các nhiệm vụ được Trung ương, Quốc hội giao như tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực; về thể chế, cơ chế chính sách, xây dựng chiến lược quy hoạch; huy động nguồn lực đầu tư, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu... Để bứt phá cần một sự đột phá rất mạnh mẽ", Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết 01/NQ-CP được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương xây dựng. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đây không chỉ đơn giản là một bản nghị quyết về kinh tế - xã hội mà là quyết tâm chính trị, thể hiện khát vọng phát triển của Chính phủ đặt ra trong chỉ đạo điều hành.
Theo tinh thần đó, kế thừa phương châm hành động của năm 2018 đối với các nội dung "kỷ cương, liêm chính, hành động", coi đó là phương châm xuyên suốt cả nhiệm kỳ của Chính phủ, năm 2019 sẽ là năm "bứt phá" để tăng tốc phát triển, chuẩn bị "về đích".
Và khác với các năm trước, Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng được VPCP và các Bộ, ngành, địa phương tham mưu để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay từ ngày 1/1, để triển khai ngay từ đầu năm.
|
Tài xế Hiếu và hiện trường vụ tai nạn tại Long An |
Nhiều tai nạn nghiêm trọng do tài xế sử dụng chất kích thích
Khoảng 15h30 ngày 2/1, Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, ngụ Thạnh Đức, huyện Bến Lức) điều khiển xe container BKS 62C-043.48 chạy từ Long An đi TP Hồ Chí Minh. Khi đến ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, đã tông nhiều phương tiện đang chờ đèn đỏ.
Hậu quả, 3 người chết tại chỗ, 1 người tử vong tại bệnh viện, 18 người bị thương được đưa đi cấp cứu (trong đó có nhiều người thương nặng), làm hư hỏng 21 xe máy.
Sau khi gây tai nạn Hiếu bỏ trốn đến gần 23h cùng ngày mới ra trình diện. Sau đó tài xế này đã được cơ quan Cảnh sát điều tra đưa đến Bệnh viện để tiến hành xét nghiệm máu. Qua 2 lần kiểm tra, mỗi lần cách nhau khoảng 3 giờ, kết quả cho thấy Hiếu dương tính với heroin, âm tính với các loại ma túy tổng hợp khác. Về nồng độ cồn, lần xét nghiệm đầu tiên Hiếu có nồng độ cồn cao, lần xét nghiệm thứ hai thì lượng cồn đã giảm.
Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiệu quả phanh chính trên băng thử của xe container đạt tiêu chuẩn (70%) (theo quy định loại xe này giá trị hiệu quả phanh chính chỉ yêu cầu đạt 45%). Về tình trạng chung hệ thống phanh hoạt động linh hoạt, bình thường.
|
Hiện trường vụ tai nạn tại Lâm Đồng |
Trước vụ tai nạn trên 1 ngày, tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cũng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, nguyên nhân do tài xế sử dụng rượu bia khi lái xe.
Theo đó, khoảng 23h10 ngày 1/1 Đỗ Thục Hân (SN 1996, ngụ huyện Đức Trọng) điều khiển xe taxi BKS: 49A-174.72 chở theo 5 người. Khi xe lưu thông tới km198+200, QL20 (đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đã xảy ra va chạm với xe máy BKS: 49V1-6202 do Nguyễn Văn Huy (SN 1989, ngụ huyện Đức Trọng) điều khiển lưu thông cùng chiều phía trước.
Sau cú va chạm, xe taxi mất lái, lao về phía trước, tông vào cây xanh bên đường rồi lật ngửa. Hậu quả, làm 3 người trên taxi tử vong tại chỗ. Tài xế Hân, 2 người khách trên xe và người điều khiển xe máy bị thương nặng. Kiểm tra hộp đen, khi xảy ra tai nạn taxi chạy với tốc độ 107 km/h.
Theo Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Hữu Thắng, nồng độ cồn đo được của Hân lúc 23h52 ngày 1/1 là 1.108mg/l. Trong khi đó luật giao thông đường bộ có quy định nghiêm cấm việc điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Qua 2 vụ tai nạn trên có thể thấy, việc tăng cường kiểm tra các lái xe sử dụng chất kích thích hay rượu bia của các cơ quan chức năng vẫn là vấn đề không đơn giản. Nguyên nhân là do lực lượng cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ không thể đáp ứng được yêu cầu trên.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đây không phải lần đầu tiên những tai nạn thảm khốc như thế này xảy ra. Đã có lúc hàng loạt cuộc kiểm tra sức khỏe, các cam kết buộc chủ xe phải quản lý sức khỏe của tài xế, chủ yếu là lái xe tải và xe container, được thực hiện rầm rộ. Tuy nhiên, nếu việc làm trên không được duy trì xuyên suốt và đồng bộ, hậu quả thương tâm vẫn xảy ra. Dư luận đang chờ đợi một sự thay đổi thực sự trong cách làm, cách quản lý và trên hết là ý thức của người lái xe.
|
Tài xế bỏ xe tại BOT Tiên Cựu |
Đầu năm lại "nóng" chuyện BOT
Chiều 5/1, UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức họp báo thông tin thu phí trở lại BOT Mỹ Lộc (tuyến tránh TP Nam Định từ QL10 đến thị trấn Mỹ Lộc). Đại diện cơ quan chức năng tỉnh Nam Định cho biết sẽ thực hiện giảm phí đối với các phương tiện; đồng thời thực hiện lộ trình minh bạch thông tin để gỡ "nút thắt" tại Trạm BOT Mỹ Lộc.
Trên thực tế, từ cuối tháng 7/2018 các chủ phương tiện cho rằng, Trạm BOT Mỹ Lộc đặt chưa đúng vị trí. Lẽ ra, phải lùi trạm về phía TP Nam Định khoảng 300m, như vậy các xe đi từ Hà Nội, Hà Nam về có thể lựa chọn đi ra quốc lộ 21 cũ để vào TP Nam Định mà không qua đoạn đường BOT từ trạm thu phí về BigC Nam Định.
Hơn nữa, mức giá thu quá cao nên nhiều phương tiện đã phản đối mua vé, dừng xe giữa làn thu phí gây ách tắc giao thông khiến đơn vị thu phí nhiều lần phải xả trạm. Khoảng từ tháng 8/2018 đến nay, Trạm BOT Mỹ Lộc hoàn toàn mất kiểm soát. Tại khu vực trạm luôn có một nhóm khoảng 5 - 7 người tự xưng là đại diện cho hiệp hội lái xe túc trực để ngăn việc thu phí.
Trong khi đó, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định và Sở Tài chính tỉnh Nam Định khẳng định: Dự án xây dựng tuyến tránh TP Nam Định theo hình thức BOT hoàn toàn đúng quy định, do Trạm BOT Mỹ Lộc đặt tại Km21+174,82 là đúng vị trí, nằm hoàn toàn trong phạm vi 3,9km đường BOT.
Về cách tính phí, thời gian hoàn vốn tại Trạm BOT Mỹ Lộc, ông Trần Chí Hiền - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Nam Định lý giải, mức phí Tasco áp dụng tại Trạm thu phí Mỹ Lộc thực hiện theo Thông tư 33 của Bộ Tài chính ban hành ngày 25/2/2016; dựa vào tổng mức đầu tư, lưu lượng phương tiện qua trạm và các quy định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn, chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính… Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế có thể điều chỉnh thời gian hoàn vốn cũng như mức phí.
1 dự án BOT giao thông nữa cũng nhận được sự chú ý của dư luận ngay từ ngày đầu năm. Từ 0h ngày 4/1, trạm BOT Tiên Cựu trên QL10 (Hải Phòng) bắt đầu thu phí. Ngay trong buổi sáng cùng ngày hiện tượng ùn ứ, tắc đường đã xảy ra.
Đến chiều 5/1, tài xế tên NVD (28 tuổi, trú xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng) điều khiển xe container BKS 15C-127.03 qua Trạm thu phí BOT Tiên Cựu. Tuy nhiên, Cường không mua vé mà phản ứng bằng cách đạp vào barie sau đó đánh xe vào làn thu phí đỗ ở đó rồi khoá cửa xe bỏ đi.
Khi lái xe D về nhà lấy xe máy đi tới khu vực Trạm thu phí BOT Tiên Cựu đã bị lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm, đồng thời, tạm giữ chiếc xe dừng đỗ trong khu vực trạm thu phí, tránh gây ùn tắc.
Lái xe D khai nhận lái xe thuê cho một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Hà Nội. Từ khi thực hiện thu phí tại Trạm BOT Tiên Cựu, D đã đánh xe container về bãi đỗ xe gần nhà, phải đi qua trạm thu phí. Tuy nhiên, D lấy lý do cư trú tại khu vực lân cận trạm thu phí nên không mua vé. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, D đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
|
Chiến sĩ tổ 363 tuần tra, kiểm soát trên đường phố. Ảnh: TNO. |
Hiệu quả của "cú đấm thép" 363
Trước tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa bàn TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu phức tạp mới, Công an TP đã tổ chức các tổ tuần tra hỗn hợp (gọi tắt là Tổ công tác 363) để tiến hành tuần tra kiểm soát phòng chống tội phạm trong dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019.
Phương thức tuần tra, kiểm soát của các Tổ công tác 363 được yêu cầu quán triệt linh hoạt, gồm: Tuần tra, kiểm soát cơ động; Tuần tra, kiểm soát cơ động kết hợp kiểm soát, chốt chặn tại một điểm trên đường giao thông; Tuần tra, kiểm soát chốt chặn tại một điểm trên đường giao thông; Tuần tra bộ tại khu vực.
Ngày 5/1, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 6 ngày triển khai, các tổ công tác 363 (được ví là "cú đấm thép" trấn áp tội phạm) đã kiểm tra bàn giao xử lý 18 vụ với 40 nghi can vi phạm pháp luật.
Cụ thể, 1 vụ cướp giật tài sản với 2 nghi can; 8 vụ tàng trữ vũ khí thô sơ (vật nghi súng dạng hộp quẹt ga, dao bấm, côn nhị khúc,..) với 16 người liên quan, 4 vụ (7 người) liên quan đến hoạt động cho vay, 2 vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng với 12 nghi can; 1 vụ hủy hoại tại sản và 2 vụ với 2 nghi can nghi vấn tàng trữ trái phép chất ma tuý. Ngoài ra, các tổ 363 đã phát hiện và xử lý 356 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Ghi nhận trong 6 ngày ra quân, phạm pháp hình sự xảy ra 50 vụ, giảm 10 vụ so với thời gian liền kề trước đó, giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Không xảy ra tình trạng tụ tập chạy xe thành đoàn, gây rối trật tự công cộng.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, kết quả đạt được ban đầu của các tổ 363 cho thấy việc điều chỉnh, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát hỗn hợp đã phát huy tính hiệu quả. Không chỉ góp phần trong chủ động phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi cộng cộng mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung.
|
Đón chuyến bay đầu tiên đến sân bay Vân Đồn |
Khánh thành 3 dự án giao thông trọng điểm tại Quảng Ninh
Vào những ngày cuối năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt khánh thành 3 công trình trọng điểm có tổng mức đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng và triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, sáng 30/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi chuyến bay thương mại đầu tiên (mang số hiệu VN9716, trên máy bay Airbus A321Neo của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines) xuống Vân Đồn, dự lễ khai trương 3 công trình: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và thông tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta thấy tư duy, nhận thức định hướng phát triển, triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nguồn lực. Không phải địa phương nào cũng làm được việc này mà Quảng Ninh đã vận dụng với công trình quan trọng, có ý nghĩa, thậm chí công trình lần đầu tiên như sân bay.
Người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh lãnh đạo nhiều địa phương không chỉ đến đây để thăm, dự khai trương mà còn nghiên cứu mô hình phát triển của Quảng Ninh để nhân lên ở địa phương mình. "Mà từ nhận thức đến hành động là một quá trình”, Thủ tướng nêu rõ. “Quảng Ninh đã làm được việc này trong bối cảnh nguồn vốn, nguồn lực Nhà nước còn nhiều khó khăn", Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Bắt tạm giam Nguyễn Kim Hưng (Hưng Kính) ở Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản |
Bắt tạm giam kẻ cầm đầu vụ "bảo kê" ở chợ Long Biên
Chiều 4/1, Công An TP Hà Nội cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam với Nguyễn Kim Hưng (Hưng Kính) ở Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
Cùng hành vi với Hưng Kính, cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam Nguyễn Hữu Tiến (Tiến hói), thành viên tổ bốc xếp chợ Long Biên.
Theo cơ quan điều tra, Hưng Kính có 2 tiền án và 1 tiền sự; là Tổ tưởng tổ bốc xếp hàng hoá ở chợ Long Biên, có vai trò cầm đầu, chủ mưu cùng 4 người khác thực hiện hành vi cưỡng ép tiểu thương chợ Long Biên nộp tiền.
Trước khi bị bắt vài tuần, do nắm bắt được thông tin đang trong tầm ngắm của cơ quan điều tra nên Hưng Kính đã xin nằm viện để ghép nội tạng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định Hưng Kính làm việc này để nhằm trốn tránh nên đã mời lên trụ sở công an và đọc lệnh bắt khởi tố. Bước đầu cơ quan chức năng đã chứng minh được số tiền nhóm Hưng Kính cưỡng đoạt là 17 triệu đồng.
Theo quy định, Ban quản lý chợ Long Biên chỉ thu vé vào cổng từ 15.000 đến 60.000 đồng một lượt, nhưng những người bảo kê thu gấp nhiều lần. Còn theo phản ánh tiểu thương, để có một chỗ đỗ xe vận chuyển hàng hóa, tiểu thương phải nộp khoảng 250.000 đồng/lượt/xe. Khi các tiểu thương không đóng tiền, nhóm của Hưng Kính sẽ đe doạ, hành hung.
Trước đó, ngày 5/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam Dương Quốc Vương (50 tuổi, tức Vương Lợn), Nguyễn Mạnh Long (56 tuổi, tức Long Cao) và Lê Thanh Hải (55 tuổi, tức Hải Gió) theo điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
Vào đầu tháng 10/2018, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra dấu hiệu tội phạm "Cưỡng đoạt tài sản" xảy ra tại chợ Long Biên. Hơn 2 tháng từ ngày khởi tố vụ án song không có hồi âm nhưng đầu tháng 12, 2 nữ nhà báo điều tra vụ việc này nhận được tin nhắn từ cùng một số điện thoại với nội dung đe dọa sẽ giết cả nhà nếu tiếp tục điều tra. Từ đó đến nay nhiều đối tượng chính của vụ án liên tiếp bị bắt tạm giam chờ điều tra, xét xử.
|
Thi thể 3 nạn nhân được đưa về qua sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: TX |
Đưa thi thể 3 du khách Việt về nước
Khoảng 1h sáng 6/1, chuyến bay đưa thi thể 3 nạn nhân người Việt tử vong trong vụ đánh bom khủng bố tại Ai Cập đã hạ cánh xuống sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Đại diện Công ty lữ hành Saigontourist thông tin, ngay trong buổi sáng cùng ngày, đơn vị đã khẩn trương hoàn tất các thủ tục theo quy định và cùng với thân nhân đưa 3 người bị nạn về nhà để tổ chức tang lễ.
Đối với 3 trường hợp bị thương đang điều trị tại Ai Cập, Saigontourist đang phối hợp với bệnh viện tại Ai Cập và Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt để có thể đưa về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, 16h15 ngày 1/1, nhóm 9 người trong đoàn khách Việt Nam bị đánh bom ở Ai Cập đã về đến TP Hồ Chí Minh. Trong đó có 2 người không bị thương, 7 người bị thương nhẹ.
Vụ đánh bom xảy ra lúc 18h15 (giờ địa phương) ngày 28/12 trên phố El Maryoutiya thuộc quận Haram, tỉnh Giza, cách kim tự tháp Giza khoảng 4 km. Chiếc xe trên đang chở đoàn du lịch Việt Nam tới thăm kim tự tháp Giza. Quả bom được giấu cạnh một bức tường phát nổ khi chiếc xe chở đoàn du khách Việt Nam đi qua.
Lúc này trên xe có 18 người, gồm 15 du khách Việt Nam và 3 công dân Ai Cập. Vụ tấn công khiến 3 người Việt Nam và 1 hướng dẫn viên du lịch người Ai Cập thiệt mạng, 9 du khách Việt bị thương. Tour du lịch này do Công ty Saigontourist tổ chức.