Chiều nay (22/4), báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ cho phép TP thực hiện theo Chỉ thị 15, ngừng giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 23/4.
Trung tâm TP Hồ Chí Minh vắng vẻ trong những ngày TP nghiêm túc thực hiện lệnh cách ly xã hội phòng dịch Covid-19.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, địa bàn TP có tổng cộng 54 ca nhiễm, đã chữa khỏi cho 52 ca, còn 2 ca đang điều trị. TP đang có 22 ngày thực hiện cách ly xã hội, trong đó 19 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới.
“Những kết quả này là tiền đề để Thành phố sẽ công bố hết dịch khi đủ 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phong, dịch bệnh đang khiến TP phải đối mặt với những thách thức về phát triển kinh tế. Dự báo dịch bệnh sẽ tác động mạnh đến kinh tế từ quý II/2020. Để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, TP đã chủ động xây dựng cơ chế chính sách để vực dậy nền kinh tế khi dịch bệnh trên địa bàn TP có diễn biến tốt hơn, để nới lỏng từng bước nhưng vẫn kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường dịch bệnh.
Theo đó, để vực dậy nền kinh tế TP trong điều kiện dịch bệnh, ông Phong cho biết, TP đã xây dựng 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới: an toàn trong trường học, văn hóa thể thao, du lịch, giao thông, công thương, vệ sinh thực phẩm, khu vực công cộng.
Các bộ chỉ số này sẽ được ban hành trước 30/4, quy định trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị và chủ doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch trong điều kiện bình thường mới, cách làm của thành phố là thận trọng nới lỏng từng bước, tham vấn nhiều chiều, tổ chức thí điểm rồi mới triển khai nhân rộng nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển ổn định, đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch.
Ngoài ra, TP cũng đang xây dựng một số cơ chế đặc thù, tiếp thêm động lực để đưa kinh tế TP vượt qua khó khăn. Đó là gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động mất việc làm ở các doanh nghiệp sản xuất; gói đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy nền kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh…
Về phòng chống dịch bệnh, ông Phong cam kết, TP sẽ tiếp tục giám sát các điểm có nguy cơ cao; nhất là các khu lưu trú công nhân, nhà trọ, nhóm người nước ngoài đang lưu trú tại thành phố; các cơ sở chăm sóc, bảo trợ xã hội; kiểm soát, phân luồng tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện các ca bệnh mới; khoanh vùng truy vết các ca nhiễm mới; sắp xếp lại các khu cách ly tập trung để chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Cuối cùng, TP cũng tăng cường đầu tư cho ngành y tế, nhất là ngành y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh từ nhân sự đến trang thiết bị chuyên môn và chế độ chính sách.
"Đây là mặt trận quan trọng đối với an ninh y tế của người dân TP, có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế hiện nay", ông Phong nói.