Trịnh Xuân Thanh sau khi về nước đầu thú. |
Trước đó, hồ sơ gốc bổ nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó bí thư tỉnh Hậu Giang gửi lên Bộ Nội vụ có thông tin đã bị thất lạc. Ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ nhận được 2 bản có dấu đỏ từ Hậu Giang gửi về đề nghị phê chuẩn. Khi gửi về thì bộ phận văn thư đóng dấu 1 bản, bản gốc vẫn còn, thất lạc bản đóng dấu công văn đến. “Hiện nay công an đang điều tra làm rõ, khi có kết quả sẽ thông báo công khai”, ông Thừa nói.
Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an Việt Nam truy nã quốc tế từ 9.2016. Ông Thanh từng giữ chức Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Năm 2013, ông được bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ Công thương, Vụ trưởng, Trưởng ban đổi mới tại Bộ Công Thương, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, Bộ Công Thương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với ông Thanh, để điều tra cáo buộc có nhiều sai phạm trong quản lý dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng tại Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) giai đoạn 2007 - 2013. Ông Thanh xin nghỉ phép với lý do ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng hết phép, không trở lại nhiệm sở, mọi liên lạc bị cắt đứt cho đến khi ra đầu thú.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng Việt Nam xác định là một trong những đại án của năm 2016 - 2017, yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung điều tra, truy bắt. 10 người liên quan vụ án đã bị bắt, trong đó có 4 cựu lãnh đạo PVC.