Nhiều ĐB bày tỏ quan điểm đồng tình việc ban hành luật ở thời điểm hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên luật cần giải quyết được những bất cập hiện nay trong giáo dục mầm non, chế độ chính sách cho nhà giáo và sinh viên ngành sư phạm.
Giáo dục mầm non phải là bậc học quan trọng nhất
Theo ĐB Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ), thời gian qua, dường như chúng ta quá tập trung vào đầu tư cho bậc học trên, mà quên bậc học mầm non. Thực trạng bậc học mầm non hiện nay có rất nhiều vấn đề khiến chúng ta lo ngại. Chúng ta yên tâm sao được khi hàng năm bậc học mầm non tăng thêm 250 nghìn cháu, trong khi trường lớp vừa thiếu, vừa yếu. Ở nhiều nơi, các cháu chưa đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ thì làm sao có được thế hệ công dân khoẻ mạnh về thể chất, lẫn tâm hồn. “Do đó cần quan tâm bậc giáo dục mầm non, theo đó cần phải khẳng định răng đây là bậc học đầu tiên, cũng là bậc học quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân trong việc nâng cao tầm vóc, trí tuệ Việt. Cần ưu tiên miễn học phí, đầu tư cơ sở vật chất hơn nữa, nâng cao trình độ, đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên mầm non và các cô nuôi dạy trẻ hoàn thành vai trò của mình”- ĐB cho hay.
|
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Theo ĐB Nguyễn Hồng Hải (đoàn Bình Thuận) giáo dục mầm non còn nhiều bất cập tình trạng bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra, thiếu trường lớp, giáo viên đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tuy nhiên hiện nay vấn đề này chưa được xem xét bổ sung, do đó Luật cần nghiên cứu bổ sung giáo dục mầm non cho phù hợp.
Giáo dục mầm non có vai trò vô cùng quan trọng trong khi quản lý nhiều yếu kém, hạn chế nên dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên dẫn đến tỷ lệ trẻ đến nhà trẻ mới chiếm 27,7% nhưng luật lại không đề cập đến vấn đề này, ĐB Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) cũng đề nghị, Dự Luật cần nghiên cứu sửa đổi những quy định về giáo dục mầm non như quy định cụ thể về đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất, và đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tranh luận về giao quyền tự chủ cho các trường
Vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường trong Dự Luật được nhiều đại biểu quan tâm. ĐB Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) đề nghị Dự Luật cần có sự đột phá, mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các trường 3 mặt chuyên môn, tài chính và nhân sự, nhằm tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông có sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, ĐB cũng đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm giải trình của các trường công lập trong cả nước trước và sau khi thực hiện quyền tự chủ, để tăng cường vai trò giám sát của Nhà nước, tránh tình trạng “thử - sai - sửa” lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó cần quy định thêm năng lực tự chủ đại học vì không thể cùng một lúc trao quyền tự chủ cho tất cả các trường mà cần tự chủ theo lộ trình, theo nhóm trường.
Tranh luận lại đề xuất “mạnh dạn trao hẳn quyền tự chủ cho các trường”, ĐB Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) cho rằng quan điểm này cần phải xem xét. “Thứ nhất, nếu hoạt động của hội đồng trường, hội đồng quản trị trường không minh bạch hoặc đi chệch hướng thì nhà nước rất khó có thể can thiệp, điều tiết. Thứ hai, nếu hội đồng trường và hội đồng quản trị trường có quyền cách chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì có nguy cơ xảy ra lợi ích nhóm. Thứ ba, đang có hai hướng là các trường mạnh thì rất muốn tự chủ hoàn toàn nhưng đa số các trường từ phổ thông tới đại học chỉ muốn tự chủ một phần”, đại biểu phân tích. Đồng thời lưu ý: “Nếu trao quyền tự chủ hoàn toàn khi họ chưa đủ khả năng, khác nào đem con bỏ chợ”.
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) không phản đối nhưng cho rằng đề xuất “giao các trường phổ thông chịu trách nhiệm về học thuật” là rất khó khả thi, đặc biệt là trong việc chọn sách giáo khoa. Dẫn lại quy định trong Dự Luật là “một môn học có thể có nhiều sách giáo khoa, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong giảng dạy”, ĐB cho rằng quy định này thoạt nghe thì đúng như thực tế rất khó thực hiện đại trà cho nền giáo dục Việt Nam. “Tôi đề nghị cần sửa lại hệ thống giáo dục giáo khoa chỉ có bộ sách giáo khoa theo chuẩn quốc gia, phù hợp với các cấp, các bậc phổ thông trên cả nước”, đại biểu của Hà Nội nói.
Thu hút người tài bằng lương
Liên quan đến chính sách tín dụng với sinh viên sư phạm, một điểm mới của Dự Luật. Một số ĐB cho rằng, để thu hút học sinh giỏi tham gia vào ngành sư phạm, vấn đề học phí chưa phải căn bản cốt lõi mà căn bản là quy hoạch mạng lưới ngành sư phạm và chính sách đào tạo, tuyển dụng đãi ngộ để thu hút các em giỏi đến với ngành dạy học. Vì thế cần có chính sách tuyển dụng đào tạo đãi ngộ với nhà giáo để phát triển ngành giáo dục như kỳ vọng của Đảng, cử tri, nhân dân cả nước.
Theo ĐB Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định), trong giáo dục, học sinh là trung tâm còn giáo viên là người điều khiển, giáo viên quyết định chất lượng giáo dục. Cho nên cần có chính sách đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên.
ĐB Nguyễn Hồng Hải cũng cho rằng, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhà giáo có vai trò quyết định cho phát triển giáo dục nhưng lại chưa có cơ chế chính sách ưu đãi cho giáo viên, do đó cần cụ thể hóa các chính sách ưu đãi về đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng, tiền lương.
Phân tích chính sách giảm học phí cho sinh viên ngành sư phạm đã áp dụng 20 năm nay nhưng hiệu quả không cao, chỉ là quyết định để sinh viên lựa chọn có theo học hay không theo, theo ĐB Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ), lương thầy cô và chính sách tuyển dụng mới thu hút được người giỏi. Lúc đó chất lượng của đào tạo mới được giải quyết. Cho nên cần có học bổng cho người giỏi để khuyến khích người tài. ĐB Bùi Ngọc Chương (đoàn Cà Mau) cũng cho rằng, quan trọng là chính sách thu hút ưu đãi đội ngũ sinh viên học giỏi, cũng như thầy cô giáo thì mới thu hút được người tài vào ngành giáo dục. Theo ĐB, chính sách miễn học phí thành cho chính sách vay tín dụng đối với sinh viên ngành sư phạm nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên trong trường hợp các em không tìm được việc làm sẽ xử lý như thế nào để trả khoản vay? chưa kể tổ chức tín dụng phải đi tìm người trả khoản vay. Vay tiền đã khó khăn nhưng học xong không tìm được việc làm thì lại càng khó khăn hơn, cho nên chính sách cần hết sức thận trọng.
ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề xuất, nên thắt đầu ra của sinh viên sư phạm thay vì chính sách ưu đãi cho vay tín dụng đối với sinh viên sư phạm. Bởi hiện nay số lượng sinh viên sư phạm ra trường nhưng thất nghiệp chiếm một tỷ lệ khá lớn. Không có việc làm nghĩa là không có tiền để trả nợ, như vậy càng phát sinh thêm “nợ xấu”. Do đó nên thắt đầu ra của sinh viên sư phạm để đảm bảo chất lượng thay vì có chính sách cho vay tín dụng ưu đãi.