Hành khách khóc ròng khi đi máy bay tết
Ngày 5/2 (ngày 26 tháng Chạp), sân bay Tân Sơn Nhất vẫn trong tình trạng quá tải với hàng ngàn người dân ùn ùn về quê đón tết.
Theo ghi nhận, từ 4 giờ sáng nay, rất đông hành khách đã có mặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để xếp hàng chờ tới lượt check-in.
Tại ga quốc nội, quầy làm thủ tục của các hãng hàng không, dòng người xếp hàng dài với đủ loại hành lý lỉnh kỉnh, còn khu vực chờ bay cũng "ngộp thở" bởi hàng ngàn người ken đặc.
Tại ga quốc tế, đám đông cũng dồn đến chờ đón Việt kiều và nhiều trường hợp chỉ 1 người về nhưng 7-8 người đón khiến khu vực nhà ga luôn trong tình trạng chật kín người.
“Ngồi chờ đã mệt, nhưng vẫn chưa mệt bằng cái cảm giác thấp thỏm bởi không biết khi nào mới chốt được giờ bay chính xác. Chuyến bay cứ liên tục báo trễ. Đến từ rất sớm, nhưng tôi không dám ngủ bởi phải để ý thời gian có thay đổi hay không" - chị Nhung (ngụ Long An) nói.
Những ngày qua, sân bay phục vụ hơn 100.000 khách đi và đến mỗi ngày. Ảnh: Mậu Dũng
Tương tự, anh Sơn (ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) cũng cho biết, đang sốt ruột vì sợ trễ chuyến bay khi chờ ở quầy xuất vé. "Lần đầu tiên tôi về quê ăn tết bằng máy bay, chờ làm thủ tục mà cứ như đi bộ thể dục buổi sáng” - anh Sơn hài hước.
Trong khi đó, cô Bình (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, cô đặt chuyến bay về Huế nhưng sau khi làm thủ tục, hãng hàng không thông báo giờ bay trễ 1 giờ, sau đó tiếp tục delay thêm 1 giờ nữa: “Tôi và hàng trăm hành khách cùng chuyến phải vật vã trong sự ngột ngạt, thấp thỏm chờ giờ bay giữa Tân Sơn Nhất ngày cận tết” – cô Bình lo lắng.
Theo dự kiến, giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mỗi ngày có khoảng 860 - 900 chuyến bay đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, lượng khách trung bình khoảng 135.000 - 140.000 người.
Chủ động bay trong điều kiện thời tiết bất lợi
Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Điều hành sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ trong ba ngày đầu tháng 2/2024 có 1.100 chuyến bay nhưng có gần 60% chuyến bay delay và 40 chuyến bị hủy.
Trung bình Tân Sơn Nhất khai thác 800 - 900 chuyến bay/ngày với sản lượng khách 130.000 lượt/ngày, trong đó chủ yếu khách quốc nội "đi", tức chiều từ TP Hồ Chí Minh bay đến các tỉnh thành khác.
Nguyên nhân được xác định là do thời tiết sương mù ở phía Bắc, máy bay không thể cất, hạ cánh. Từ đó, các chuyến bay xuất phát từ Tân Sơn Nhất delay kéo dài, nhiều chuyến chậm giờ khởi hành từ sáng tới đêm.
Trong giai đoạn ngày 1-4/2 đã có hơn 310 chuyến bay rỗng từ sân bay các tỉnh thành về "giải cứu" Tân Sơn Nhất. Ảnh: Internet
Hiện tượng này còn dự báo kéo dài đến 8/2, tức 29 Tết, đặc biệt các thời điểm từ đêm đến đầu giờ sáng, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Mới đây, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã ký chỉ thị tăng cường đảm bảo khai thác trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Theo đó, để đảm bảo an toàn khai thác, Cục Hàng không Việt Nam đã ra loạt yêu cầu các doanh nghiệp hàng không sẵn sàng phương án trong trường hợp thay đổi kế hoạch khai thác.
Cụ thể, với hãng bay, tăng cường công tác chuẩn bị, hội ý (briefing) trước chuyến bay cho phi công lái về diễn biến thời tiết và khả năng tiếp thu của các sân bay khai thác để điều chỉnh kế hoạch bay trong trường hợp cần thiết sử dụng sân bay dự bị phù hợp.
Bổ sung nhiên liệu bay vòng chờ, bay chuyển hướng cần thiết đảm bảo an toàn khai thác bay. Đồng thời hỗ trợ tối đa hành khách theo quy định của pháp luật trong trường hợp chậm, hủy, chuyển hướng bay.
Với các hãng bay nước ngoài đang cung cấp dịch vụ thuê ướt, các hãng bay phổ biến chỉ thị này đến các tiếp viên, phi công nước ngoài.
Ngoài ra, các cảng hàng không, quản lý bay, cảng vụ hàng không cũng đã được Cục Hàng không Việt Nam triển khai công tác chuẩn bị, kế hoạch chủ động phối hợp khai thác đảm bảo an toàn bay trong điều kiện thời tiết bất lợi.