Nhận lời của Tiến sĩ Vũ Văn Thoại (Viện nghiên cứu cây đàn hương), vừa qua chúng tôi đến thăm vườn ươm cây đàn hương tại TP. Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về cây đàn hương tại Ấn Độ, TS. Vũ Văn Thoại đã hào hứng giới thiệu về dự án phát triển cây đàn hương và các giá trị của sản phẩm. Sau hơn 3 năm được đưa về Việt Nam ươm giống và trồng khảo nghiệm, đã có những tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của cây đàn hương tại Việt Nam.
Hiện nay, Viện đang có hai vườn ươm tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội và Đăk Lăk có số lượng cây giống đàn hương thuần chủng có nguồn gốc từ Ấn Độ, phát triển khỏe mạnh lên tới cả chục nghìn cây. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng (vùng đất đỏ bazan với độ cao trên 600m so với mực nước biển), nguồn nước sẵn có…vùng Tây Nguyên được đánh giá là nơi thích hợp cho việc phát triển của cây đàn hương với quy mô lớn.
TS. Vũ Văn Thoại (ngoài cùng bên phải) tại vườn ươm Đăk Lăk |
Về giá trị kinh tế: theo TS. Thoại, cây đàn hương được đánh giá là cây “vàng xanh” với doanh thu bình quân gần 1,5 triệu USD/ha/năm, tương đương với 27 tỷ đồng/ha/năm cao gấp hàng trăm lần so với các cây rừng khác. "Sở dĩ cây đàn hương có giá trị kinh tế cao vì mọi thành phần của cây từ lá, thân, cành, rễ đều được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như sản xuất dược liệu, tinh dầu, hàng mỹ nghệ cao cấp, hàng nội thất, đồ thờ cúng trong gia đình và các đền chùa ngoài ra đàn hương còn sản xuất nhang, rượu, nước uống, xà phòng thơm…thành những sản phẩm cao cấp được nhiều người trên toàn thế giới ưa chuộng", TS. Thoại cho biết.
Một góc vườn ươm cây đàn hương xanh tốt ở Đak Lăk |
Về giá trị dược liệu: theo đông y, gỗ đàn hương vị cay, mùi thơm tính ấm (ôn). Ly khí, ôn trung, hòa vị, chỉ thống. Chữa các chứng đau bụng vùng dạ dày, bụng dưới, đái buốt do viêm đường tiết liệu, thổ huyết, nấc, ho có đờm lâu khỏi, chữa phong thấp đau nhức xương, kinh giảm, thuốc điều khí chữa đau tim. Theo tây y, gỗ đàn hương có tác dụng sinh lý chủ yếu là sát trùng đường niệu - sinh dục. Y học cổ truyền Ấn Độ dùng lõi gỗ đàn hương chống viêm, sát trùng, hạ nhiệt, làm săn da, chữa viêm bàng quang (cystitis), ỉa chảy, lậu mãn tính, xuất huyết, nấc, khí hư, loét và rối loạn đường tiết niệu.
Gỗ đàn hương cứng, giác trắng, không mùi, lõi vàng nâu, được sử dụng sản xuất các loại hàng mỹ nghệ tuyệt diệu, rất đắt tiền, cất tinh dầu để sản xuất nhiều mặt hàng quý và xà phòng thơm. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người rất ưa chuộng dùng gỗ đàn hương để thỏa mãn nhu cầu phong phú về vật chất của cá nhân và nhu cầu sản phẩm tâm linh, được coi là biểu hiện của nhu cầu hưởng thụ mang tính quý tộc.
Cũng theo TS. Thoại, với những giá trị đặc biệt hiếm có, cây đàn hương đang từng bước được người dân tìm kiếm để phát triển trồng với quy mô lớn tại các tỉnh thành tại Tây Nguyên. Đồng thời, với quyết định thành lập Phân viện Tây Nguyên tại Đăk Lăk vào ngày 01/04/2016, đã cho thấy mong muốn mở rộng cây trồng này đến toàn bộ khu vực phía Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và đáp ứng nhu cầu cây giống đến những khách hàng có niềm đam mê với cây trồng quý hiếm.
Chắc chắn khi đi vào hoạt động Phân viện Tây Nguyên sẽ đáp ứng nhu cầu cây giống, hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc,...cho người dân tại các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và các tỉnh thành xung quanh.