Nhiều vấn đề đang được dư luận đặt ra, liệu BLHS mới có giải quyết được tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm tràn lan như hiện nay?
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP. Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), cho rằng: “Ngoài sử phạt tù cần mạnh tay với phạt tiền”.
Theo Luật sư Đình Dũng, Trong bối cảnh thực trạng vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) phải nói là “nóng bỏng” như hiện nay, Bộ luật hình sự 2015 ra đời qui định rõ và cụ thể hành vi vi phạm qui định ATTP để truy tố hình sự là kịp thời răn đe để điều chỉnh quan hệ xã hội. Nhiều hành vi trong các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản, bán, cung cấp, sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản nay đều bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 317 BLHS 2015 có hiệu lực ngày 1/7/2016. Tuy vậy, còn một số khía cạnh cần phải xem lại bởi điều luật qui định chưa tương thích với loại tội phạm này.
Thịt heo có sử dụng chất tạo nạc có thể gây ung thư cho người sử dụng.
Hậu quả gây ra của hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP thuộc loại hậu quả khó lường nên qui định mang tính định lượng đối với hậu quả để định tội, định khung hình phạt là không hợp lý. Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 317 qui định: “Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm … gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”. Tương tự tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 điều luật này cũng đưa vào qui định yếu tố định lượng làm chết số lượng người, phần trăm tổn hại sức khỏe. Tội vi phạm qui định về ATTP không như các tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng khác như: Tội giết người, Tội cố ý gây thương tích… có hậu quả nhãn tiền. Hậu quả do thực phẩm nhiễm độc hại gây ra, có thể dài lâu, năm hoặc mười năm, thậm chí ba mươi năm sau mới phát tác, hơn nữa có thể truyền tác hại đến cả thế hệ con cháu. Rõ ràng chúng ta không thể đợi hậu quả nó gây ra để tính theo định lượng mới sử lý hình sự theo qui định. Cho nên, để thực hiện nguyên tắc kịp thời xử lý thì không nên dựa vào định lượng hậu quả mà cần phải dựa vào hàm lượng chất cấm do người vi phạm đưa vào qui trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chẳng hạn, người nào chăn nuôi mà cho gia súc ăn từ 100g chất cấm trở lên thì bị xử lý hình sự, từ 500g đến 5 kg bị xử lý ở khoản 2… Có như thế mới răn đe giáo dục và xử lý chính xác.
Một khía cạnh khác cũng cần phải xem xét áp dụng sát với thực tế, đó là hình phạt tiền. Điều 317 BLHS qui định hình phạt tiền: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Phần lớn các vụ vi phạm tập trung ở các tổ chức kinh doanh. BLHS mới 2015 cũng đưa vào truy tố tổ chức doanh nghiệp vi phạm với mục đích chính là nhằm áp dụng hình phạt tiền thỏa đáng. Với mức hình phạt tiền cao nhất chỉ 100 triệu đồng thì khó mà răn đe tổ chức vi phạm. Trong khi số tiền thu lợi bất chính của các tổ chức này trong thực tế rất lớn mà cơ quan nhà nước khó có thể chứng minh hết được. Hơn nữa hậu quả của hành vi gây ra rất lớn, có thể gây ung thư cho cả khối cộng đồng dân cư. Hình phạt tiền cần phải tương xứng phần nào đối với chi phí giải quyết hậu quả. Với loại tội phạm này, một số quốc gia trên thế giới có hình phạt tiền lên tới con số tỷ đô –la.
“Ngoài xử lý hình sự, tôi cho rằng, cơ quan nhà nước cũng như các đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục. An toàn thực phẩm là vấn đề liên quan hàng ngày của mọi người nên công tác tuyên truyến giáo dục rất quan trọng”, Luật sư Dũng nhận định.