Chứng kiến hình ảnh các bậc phụ huynh ngồi chờ con thi dưới trời nắng nóng, khi đó chúng tôi mới thấu hiểu tình yêu thương vô bờ và niềm kỳ vọng lớn lao của cha mẹ đối với tương lai của con em qua kỳ thi này.
Tại điểm thi của trường ĐH Sài Gòn, đây là điểm thi dành cho 2.100 thí sinh từ tỉnh Long An lên TP. HCM thi.
Cô Thủy ngụ ở huyện Cần Giuộc – Long An cho biết: Năm 32 tuổi cô lấy chồng nên chỉ sinh được một đứa con trai “độc nhất”, tất cả tình yêu thương đều dành cho con. Năm nay con trai thi tại TP. HCM nên sáng sớm ngày 30/6 lúc 4 giờ sáng hai mẹ con đón xe lên để con làm thủ tục dự thi cho kịp giờ.
“Vợ chồng tôi làm ruộng quanh năm, cuộc sống khó khăn, lại sinh được chỉ có một đứa con nên cố gắng cho con đi học để sau này có tương lai tốt hơn. Hai mẹ con bắt xe lên điểm thi ĐH Sài Gòn rồi thuê trọ 70 ngàn đồng/người để ở, sau thi thì đi ăn quán hay xin cơm hộp từ sinh viên tình nguyện phát”, cô Thủy chia sẻ.
Theo cô Thủy tính thì ở trọ hai mẹ con 5 ngày là hết 700 ngàn đồng, ăn uống hết khoảng 500 ngàn, tổng là 1,2 triệu đồng. “Số tiền này hai vợ chồng tôi tiết kiệm từ làm ruộng, bán lúa bán đậu để chờ con thi rồi đi học. Nghe con nói hai ngày qua làm bài thi tốt nên dù có tốn kém hơn cũng không tiếc!”, cô Thủy nói.
Một trường hợp khác chúng tôi gặp khi đợi con ngoài cổng trường thi là cô Phạm Thị Chinh (49 tuổi, quê huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) nhà giáp biên giới Campuchia. Cô Chinh cho biết, chồng mất sớm nên phải một mình nuôi hai đứa con nên người bằng nghề đốt than.
Năm nay con út tên Nguyễn Bá dự thi tại cụm thi ĐH Sài Gòn nên cô xin nghỉ làm vay mượn được hơn 500 ngàn đồng đưa con đi thi.
“Bao năm làm việc vất vả chỉ đủ nuôi 3 miệng ăn trong nhà. Thấy con chăm học nên năm nay tôi cũng cố gắng vay mượn tiền đưa con đi thi. Từ nhà tôi lên tới điểm thi gần 200km nên hai mẹ con đi xe máy từ 1 giờ sáng ngày 30/6 để đến trường kịp cho con làm thủ tục dự thi”, cô Chinh nói.
“Sao mình không đi sớm hơn cho khỏe?” – chúng tôi hỏi. Cô Chinh trả lời: “Cũng muốn đi sớm lắm nhưng đợi đến chiều 30 mới mượn được tiền. May là lên đây mấy cháu sinh viên có phát cơm miễn phí nên hai mẹ con ăn mấy ngày qua không tốn tiền, chỉ tốn khoản ở trọ thôi!”
Tại điểm thi trường ĐH Bách Khoa TP. HCM, cô Thanh cho biết: Nhà tôi ở xã An Nhơn Tây - huyện Củ Chi cách đây hơn 40km, nhà tôi cũng chỉ có 2 mẹ con, hoàn cảnh hết sức khó khăn, hằng ngày tôi phải đi làm mướn thu nhập ngày có, ngày không. Cũng may có người quen ở Gò Vấp nên trước ngày làm thủ tục thi con bé xuống đó ở nhờ để đỡ tiền thuê trọ. Còn tôi, trong mấy ngày thi này, cứ 6 giờ sáng bắt xe buýt tới địa điểm thi đưa cơm trưa cho con.
Cô thanh ở Củ Chi mỗi ngày vượt hơn 40km đưa cơm cho con |
Ở đây hàng ngày sau buổi thi đều có cơm từ thiện phát miễn phí cho thí sinh, sao cô phải đánh quãng đường xa như vậy chỉ để mang bữa cơm cho con?
Cô Thanh chia sẻ: “Con bé nhà tôi ốm yếu từ bé, ăn ngoài sợ không đảm bảo vệ sinh, không may có chuyện gì thì lỡ mất kỳ thi. Ngoài ra, xuống để an ủi động viên con thi tốt trong mỗi ngày nữa”. Cô Thanh nói
Cũng ở Củ Chi, chú Lâm Quang Triệu cho biết: Vợ chồng tôi đều làm công nhân, trong mấy ngày con thi cả hai vợ chồng đều xin nghỉ phép để đưa con gái út đi thi.
Để động viên và cổ vũ tinh thần cho con làm bài tốt, trong mấy ngày thi này vợ chồng tôi dậy từ 2 giờ sáng chuẩn bị cơm đùm, cơm nắm xong xuôi đến 4 giờ sáng tôi và bà xã cùng với con gái bắt xe buýt đến kịp giờ cho con thi. Rồi hai vợ chồng đứng chờ con thi xong, trưa đưa cơm mang theo ăn, rồi con vào thi buổi chiều xong và cả nhà lại bắt xe về lại Củ Chi. Ông Triệu chia sẻ.
Với tinh thần tất cả vì tương lai cho con em, vì tương lai trên con đường học vấn. Qua mỗi kỳ thi mới thấy được sự hy sinh vất vả của các bậc sinh thành đối với con cái của họ.