20g00 – 20g45, Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, từ vong trong đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh được diễn ra đồng lại tại khuôn viên Hội trường Thống Nhất, trên kênh Thị Nghè – Nhiêu Lộc – Tàu Hủ, tại các cơ sở tôn giáo, các quận (huyện) và TP Thủ Đức với các nghi thức như tắt đèn, thắp nến, thả hoa đăng, rung chuông,...
Tại Hội trường Thống Nhất, buổi lễ tưởng niệm mở đầu bằng những thước phim tư liệu đầy lắng đọng trong tiếng cấp cứu, những dải băng ngập lối, những phút giây sinh tử giành giật sự sống, những khoảnh khắc tạm biệt người thân yêu và những ước mơ còn dang dở...
"Nghe hương bay trong gió thơm/ Thương ai qua bên kia trời/ Lời chưa nói với người ở lại/ Lời gửi gắm biết ngỏ cùng ai/ Xin dâng đây nén tâm hương/ Cho âm dương giao hòa/ Lời chưa nói, xin nhắn gửi/ Người còn sống, sống thay người nằm lại" (Trích lời bài hát “Tiếng chuông ngân trong gió”, Nguyễn Bá Hùng).
Thanh âm của bài hát “Tiếng chuông ngân trong gió” như lời tạm biệt, nghiêng mình cho người đã khuất và mong những người ở lại biết trân quý, sẽ thay họ làm những điều ý nghĩa cho mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, người thân không nơi nương tựa.
Đó như nghĩa cử "Nhường cơm, sẻ áo/ Chở che nhau người Việt Nam/ Những tâm hồn bé thơ ở lại/ Sẽ vươn chồi dưới nắng ban mai" luôn là muôn cảm hứng cho tiếng chuông chùa, nhà thờ ngân vang mãi mãi, cho những người ở lại không hiu quạnh, quạnh quẽ.
Trong tiếng nhạc ai oán, đượm buồn, hàng ngàn người đã có 45 phút lắng đọng kính cẩn nghiêng mình để tưởng nhớ về hàng vạn đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Có lẽ đó là những khoảnh khắc mà bất kỳ ai cũng có thể phải trải qua cơn thập tử nhất sinh, từng có người thân mất đi vì Covid-19 mới thấm thía được hết nỗi đau, khó có thể xóa nhòa trong ký ức đau thương của dân tộc.
Chúng ta không có quyền quên đi những ngày đau thương, không thể nào quên những gia đình người thân, bạn bè quanh mình lần lượt rời xa mình. Để lại những sinh tử, người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh, cha mẹ mất con, em nhỏ bơ vơ,...
Trong “cuộc chiến” cam go và đầy thách thức ấy, nhiều hình ảnh xúc động về sự hy sinh không gì có thể: chia làm nhiệm vụ chống dịch chỉ dám đứng từ xa nhìn con rơi nước mắt; người mẹ bác sĩ tuyến đầu thương nhớ con thơ với bầu sữa căng cứng, vợ nhìn chồng ra đi trên chiếc xe lăn khi chưa kịp ăn hết bữa cơm,... và trong số ấy, có người đã mãi ra đi!
Những chính trong những thời khắc đau thương không gì bù đắp được lại thấy ấm lòng và cảm động bởi biết bao sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc Việt Nam. Đó là niềm an ủi và sức mạnh lớn lao cho tất cả người Việt cùng vươn mình đứng dậy hôm nay, xây dựng cuộc đời mới, tri ân và nhắc nhớ.Vẫn biết rằng, “cuộc chiến” dịch bệnh này sẽ vẫn còn tiếp diễn, sẽ chưa có hồi kết này. Nhưng điều nên làm vẫn sẽ phải cúi đầu mặc niệm tri ân những người xấu số đã bỏ lại tất cả... Họ đã gạt nước mắt rời khỏi mảnh đất này, nhường sự sống cho người ở lại...
Và trên hết, Lễ tưởng niệm để những người ở lại trân trọng giá trị của sự hy sinh, đánh đổi và cùng nhìn lại những ngày Sài Gòn đau thương của dịch bệnh Covid-19 từng đi qua, để những người trong cuộc có lẽ không còn chỗ để đau thêm lần nữa. Những người đang sống và may mắn được đi qua đại nạn cũng sẽ tự nhủ lòng rằng người ở lại và người ra đi trong những khoảnh khắc sinh tử chỉ là sự “nhường nhịn” sự sống mà thôi. Chúng ta phải biết trân quý và yêu thương sự sống quanh ta, để người đã mất yên lòng...