Đó là những người không có trách nhiệm với chính bản thân mình, cũng như với người khác. Những người trẻ đó, không quan tâm đến việc học hành, chăm sóc bản thân, việc làm, công việc gia đình..., họ chỉ biết làm theo ý thích cá nhân nhất thời không cần tính đến kết quả. Hoặc đó cũng là những người không biết tự xử lý các vấn đề xảy ra cho cá nhân, luôn phụ thuộc vào người khác như người thân, bạn bè… Từ đó, rất dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực khi lâm vào khó khăn nhất định trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc dạy cho con trẻ biết ý thức về trách nhiệm của mình là một điều vô cùng quan trọng. Điều này không hề đơn giản nhưng nếu kiên trì, sẽ mang lại những hiệu quả vô cùng lớn lao cho tương lai.
Ảnh minh họa. |
Nhiều ý kiến cho rằng, việc dạy, uốn nắn con trở thành một người tốt hơn và luôn thành công trong cuộc sống đừng bao giờ nghĩ là phải đợi đến lúc trẻ trưởng thành mới bắt đầu. Ngay từ bé, những công việc cho là nhỏ nhặt hàng ngày sẽ rèn cho trẻ tinh thần trách nhiệm, hãy dạy cho trẻ tập làm từ từ, chi tiết từng việc và phải hoàn thành bằng tất cả lòng nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm. Đó chính là bố mẹ dạy cho trẻ sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình để lớn lên, trẻ sẽ có khả năng tự lập, biết giúp đỡ những người xung quanh.
Cùng với đó, cần tăng trao đổi, chuyện trò về công việc, học hành, cuộc sống giữa các thành viên trong gia đình, đây được xem là một trong những giao tiếp tất yếu, cần thiết, giúp mọi người hiểu nhau hơn và thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp và thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở mỗi thành viên, đặc biệt là trẻ. Bởi chính cách nói chuyện của người lớn sẽ tác động rất nhiều đến nhân cách và sự phát triển tính cách của trẻ, trẻ sẽ học được rất nhiều kỹ năng từ chính những cách ứng xử thông thường ấy.
Đồng thời, cách giáo dục tốt nhất vẫn là việc người lớn tự làm gương cho trẻ. Hãy chỉ cho con làm thế nào để hoàn thành những cam kết bằng cách chính bạn hoàn thành những điều đó. Bố mẹ nên giải thích cho con hiểu rằng hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình trong gia đình là một cách giúp đỡ bố mẹ. Cho trẻ biết được những hành động của mình ảnh hưởng như thế nào đến những người xung quanh. Khi con bạn làm điều gì sai, cần phải cho trẻ hiểu là chúng nên xin lỗi. Một lời xin lỗi trực diện sẽ khiến con bạn có trách nhiệm hơn trước mỗi hành vi sai của mình và cũng dạy cho trẻ biết đồng cảm với những người bị tổn thương bởi hành động đó. Dạy con tinh thần trách nhiệm giúp trẻ xây dựng nhân cách và cũng giúp trẻ trở thành một người độc lập, tự chủ hơn. Đây cũng là một cách giúp trẻ có thêm động lực để trưởng thành hơn về mặt xã hội.