Đó là trường hợp của anh Nguyễn Phúc Thịnh (ngụ khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh).
Anh Thịnh là phụ huynh có 2 con cùng học lớp Chồi (năm học 2015 - 2016) tại trường mẫu giáo tư thục Mai Anh (quận 5, TP.HCM). Ngày 5/9, anh Thịnh đưa 2 con đi khai giảng năm học mới (2016 - 2017) thì nhận được thông tin cả 2 bé không có tên trong danh sách học lớp Lá của trường này!
Anh Thịnh đã gặp cô hiệu trưởng trường Mai Anh nêu thắc mắc. Anh nhận được câu trả lời là, do phụ huynh không cho cháu học hè nên nhà trường “không biết là năm học mới phụ huynh có tiếp tục cho con học tại trường hay không”. Vì vậy, nhà trường đã không lập danh sách học sinh năm học mới cho 2 cháu.
Chúng tôi đã liên hệ với Ban giám hiệu trường mẫu giáo tư thục Mai Anh, tuy nhiên, văn phòng của trường cho biết là đầu năm học Ban giám hiệu “bận nhiều việc nên không có thời gian tiếp”.
![]() |
Trường tư thục mầm non Mai Anh. Ảnh: Huy Chương |
Qua Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận 5. Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó trưởng phòng, phụ trách giáo dục mầm non, cho biết, hiện nay, ngành giáo dục không có quy định nào bắt buộc học sinh mầm non phải học hè thì mới có danh sách lên lớp học trong năm sau.
“Còn việc hiệu trưởng trường mẫu giáo tư thục Mai Anh trả lời với với phụ huynh phải đăng ký học hè thì mới có danh sách lên lớp trong năm học mới là không đúng", Phó trưởng phòng GD&ĐT quận 5 nói.
Cũng theo bà Hương, trường mẫu giáo Mai Anh là trường tư thục, do đó cuối năm học cũ và trước năm học mới phụ huynh cần phải đăng ký danh sách theo học cho các cháu để nhà trường ổn định số lượng học sinh trước năm học mới.
Tuy nhiên, theo anh Thịnh, ở năm học trước đó (2014-2015), hai con anh đã theo học tại trường mẫu giáo tư thục Mai Anh, và kỳ nghỉ hè năm ấy con anh cũng không học hè nhưng đến năm học 2015-2016 cháu vẫn có danh sách lên lớp bình thường.
Điều này chỉ có thể nói rằng đó là cách làm việc bất nhất.
Trường tư thục mở ra đương nhiên là có hoạt động kinh doanh, có những nguyên tắc riêng được bảo hộ bởi luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, không vì thế mà lại bỏ qua luật ngành, đó là luật Giáo dục. Điều ấy cũng có nghĩa, không thể vì cái “quyền” kinh doanh mà trường tư thục lại có quyền gạt bỏ trẻ em ra ngoài danh sách học, trong khi trước đó em bé đã học ở trường này và năm kế tiếp vẫn đang tiếp tục hệ mầm non. Và, quan trọng nữa là, lớp Lá là lớp rất căn bản, là cái “chứng chỉ” để bé năm sau đủ thủ tục vào lớp 1.
Có phải vì nắm yếu huyệt này mà nhà trường đã gây khó cho bé?
Đồng thời, điều này cũng có nghĩa, cơ quan quản lý của ngành giáo dục cũng phải có quy định và quản lý nhất quán, bởi học sinh vẫn là đối tượng chính của ngành giáo dục phải chăm sóc và trách nhiệm. Đơn cử trong trường hợp này, Phòng GD&ĐT quận 5 nếu có trách nhiệm thì không được phép im lặng trước việc làm tùy tiện của trường.
|