Làm việc xuyên lễ, trả tiền bồi thường đợt 1 trong tháng 5/2023
Chiều 1/5, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (QLDAĐTXDCCTGT) TP Hồ Chí Minh cho biết, trong kỳ nghỉ lễ dài ngày (Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5), anh em bộ phận kỹ thuật, công nhân của Ban và cán bộ thuộc 4 Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) tại 4 địa bàn vẫn khẩn trương làm việc, nhiều người đồng ý sẽ nghỉ bù sau lễ.
Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ nghe ông Lương Minh Phúc (đứng bên trái) báo cáo tiến độ dự án tại TP Thủ Đức. Ảnh: Ban QLDAĐTXDCCTGT cung cấp.
Lý do cán bộ, nhân viên các bộ phận làm việc xuyên lễ, được ông Lương Minh Phúc giải thích: Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, qua TP Hồ Chí Minh và 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần (DATP).
TP Hồ Chí Minh phụ trách DATP 1 và DATP 2, với chiều dài 47,51 km, qua 4 địa bàn: TP Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. TP cam kết khởi công đồng bộ cả 4 gói thầu trên 4 địa bàn này trước ngày 30/6.
Hiện có 2 nhóm việc của 2 DATP đang được khẩn trương thực hiện. Đối nhóm việc thuộc DATP 1, do Sở GTVT phụ trách công tác thiết kế kỹ thuật, dự kiến phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán của 4 gói thầu xây lắp, nên phải hoàn thành trước ngày 10/5. Từ ngày 10/5 đến giữa tháng 6/2023, tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công công trình trước ngày 30/6.
Đối với nhóm việc thuộc DATP 2, do Sở TN&MT phụ trách về BTGPMB, toàn bộ dự án trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thu hồi khoảng 420 ha, có khoảng 1.700 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có gần 600 hộ tái định cư tại chỗ. Hiện nay, cả 4 địa bàn đã làm xong các bước kiểm đếm, đo vẽ, UBND TP cũng đã ban hành 4 quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 4 địa bàn có dự án. Sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, các đơn vị sẽ chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho người dân trong vòng 30 ngày, hoàn thành vào cuối tháng 5/2023.
“Với khối lượng lớn nhưng phải hoàn thành trong thời gian ngắn, nên các đơn vị đều làm việc với tinh thần quyết tâm nhằm thực hiện khát vọng đường Vành đai 3. Ví như 350 anh em ở 4 Ban BTGPMB của 4 địa bàn vẫn phải kiểm đếm hồ sơ trong những ngày nghỉ lễ. Hay tại, TP Thủ Đức có hơn 520 trường hợp bị thu hồi đất, thì địa phương này phải ban hành số quyết định tương ứng, để giao đến đến từng hộ dân. Do đó rất nhiều anh chị em đăng ký đi làm xuyên lễ”, ông Lương Minh Phúc chia sẻ.
Thu hồi đất nông nghiệp trước
Cũng theo ông Phúc, qua phân tích của 2 tổ công tác (Sở GTVT và Sở TN&MT) về đặc thù của dự án, cho thấy đặc điểm dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh có 90% là đất nông nghiệp, 10% là đất ở. Do đó, theo sáng kiến của Sở TN&MT, các ngành, các cấp sẽ tiến hành thu hồi đất nông nghiệp trong đợt 1 để tránh mất thời gian, phấn đấu bàn giao ít nhất 70-90% mặt bằng trước ngày 15/6 nhằm đảm bảo tiến độ thi công 4 gói thầu.
Bình đồ tổng thể nút giao thông, chỗ ra vào cao tốc. Ảnh: Ban QLDAĐTXDCCTGT cung cấp.
Dự kiến trong tháng 8 và 9/2023, chi trả tiền bồi thường đợt 2 cho số 10% đất ở còn lại, phấn đấu trước ngày 31/11 hoàn thành 100% công tác bồi thường, rồi lần lượt đến cuối năm 2023 tiếp tục các gói thầu còn lại của dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Do đó, Ban QLDAĐTXDCCTGT TP vẫn cần được sự chỉ đạo, hướng dẫn của lãnh đạo; đồng thời cảm ơn các sở ngành, đặc biệt là sự giúp sức của 4 địa bàn, sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng.
Về lợi ích phát triển giao thông sau khi dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh hoàn thành, ông Lương Minh Phúc phân tích: “Thứ nhất, đây là tuyến đường ngắn nhất kết nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Đường Vành đai 3 là nơi xuất phát của 5 đường cao tốc hướng tâm, gồm: TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh); TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Tiền Giang), Bến Lức - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước). Hiện nay trong 5 tuyến cao tốc, đã thực hiện tuyến Long Thành - Dầu Giây; TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; còn tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành do tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư và họ đang triển khai; tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng. Sắp tới sẽ mở rộng mặt cắt ngang tuyến Long Thành - Dầu Giây và tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Còn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, trong tháng 5/2023 sẽ trình chủ trương đầu tư.
Thứ nhì, dự án đường Vành đai 3 ngoài 5 cao tốc hướng tâm, còn có hệ thống giao thông liên vùng không chỉ TP Hồ Chí Minh mà còn là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cũng do hướng tâm nên khi nối kết thì toàn bộ giao thông sẽ được tách dần không còn đi xuyên TP như hiện nay. Do đó, chắc chắn sẽ kéo giảm được ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông giao thông trong khu vực nội đô cũng như tại các cửa ngõ TP.
Tạo quỹ đất, phát triển nhiều đô thị mới
Còn về lợi ích kinh tế, ông Lương Minh Phúc cho biết, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là một trục tạo ra không gian phát triển đô thị mới, vì sau khi hoàn thành sẽ có hàng loạt quỹ đất và các khu đô thị sẽ phát triển. Bên cạnh đó, đây còn là một hành lang logistic, có kho vận, có vùng cảng sẽ kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) tạo ra dịch vụ logistic mới, tạo chu kỳ xoay vòng của vận tải, giao thông được rút ngắn, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, tạo ra những trục phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, hình thành trục logistic đô thị, dịch vụ, góp phần hiện thực hóa các chủ trương lớn Đảng và Nhà nước.
Bình đồ hướng tuyến Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Ban QLDAĐTXDCCTGT cung cấp.
“Ngoài ra, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh còn gắn với đường Vành đai 4 đi qua 5 địa phương. Đối với dự án đường Vành đai 4, cuối năm trình chủ trương. Khi đã hoàn thành các cao tốc bên trong lõi, sẽ khép kín và 2 tạo ra trục. Cuối cùng là khi dự án hoàn thành sẽ như “con gà đẻ trứng vàng”, khi đó quy hoạch quỹ đất theo trục giao thông, từ đó tách ra làm dự án giải phóng mặt bằng riêng, giải phóng theo quy hoạch, mình chọn nhà đầu tư để phát triển và từ đó có nguồn lực để đóng góp trở lại cho giao thông. Đây là những cơ chế thực sự tạo nguồn lực từ đất đai, từ giao thông”, ông Lương Minh Phúc cho biết thêm.
Cũng theo Giám đốc QLDAĐTXDCCTGT Lương Minh Phúc, thời gian qua TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thiếu giao thông nối kết lan tỏa, nên người dân rất mong mỏi và kỳ vọng vào dự án đường Vành đai 3. Dự án này là nơi thí điểm giống như đường Vành đai 4 ở TP Hà Nội là cao tốc đô thị. Đối với cao tốc đô thị (khác với cao tốc ngoài đô thị - PV), không rào lại mà có những trục, những đường lên xuống hai bên, nhưng không chẻ nhánh lung tung, từ đó sẽ tiếp cận vào những đường song hành, khi khai thác quỹ đất 2 bên đường sẽ tiếp cận rất thuận lợi.
Đối với tiến độ và cách làm, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, mỗi địa phương thực hiện 2 DATP (xây lắp; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư). Tiến độ chung khởi công trước ngày 30/6, hoàn thành trục 4 làn xe chính của toàn tuyến vào cuối năm 2025, để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc vào năm 2026. Các đường song hành và công trình phụ được hoàn thiện sau đó.
Nhân dân đồng thuận thực hiện dự án Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ chia sẻ, qua những lần khảo sát thực tế tại các địa bàn có dự án đường Vành đai 3 đi qua, đa số Nhân dân đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án. Vì người dân biết đây là dự án mang tầm quốc gia, đem lại nhiều giá trị dân sinh. Hầu hết người dân dù đủ hay không đủ điều kiện tái định cư, có giấy hay không có giấy chủ quyền đất đều có nguyện vọng được tái định cư, được bố trí nơi ở mới ổn định (được cấp nền đất hoặc vô chung cư, tùy theo có hay không có giấy chủ quyền), và đảm bảo được cuộc sống. |