Mục tiêu của chương trình là phát triển TP Vĩnh Long hướng đến TP xanh ven sông, TP giao lưu, hiện đại; phấn đấu đến năm 2025 từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt của đô thị loại II và là đô thị loại I sau năm 2030.
TP Vĩnh Long trở thành đô thị vệ tinh độc lập trong vùng trung tâm ĐBSCL; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, có tính kết nối, phát triển bền vững, phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực tế và yêu cầu của từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội.
Một góc TP Vĩnh Long
Nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững và giữ gìn những giá trị tinh hoa, bản sắc văn hóa. TP Vĩnh Long là một trọng tâm kinh tế của vùng ĐBSCL, có tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao...
Một trong những chỉ tiêu cụ thể là tỷ lệ đô thị hóa từ 55-60% năm 2020 tăng lên 70-85% năm 2025 và đạt 80-85% vào năm 2030…
Về nhiệm vụ, giai đoạn 2020-2025, tập trung đầu tư phát triển hoàn chỉnh, cải tạo chỉnh trang khu đô thị lõi; mở rộng phát triển lan tỏa đô thị qua khu vực các phường Tân Ngãi và Trường An, trong đó tập trung xây dựng hạ tầng khung - động lực kết nối phát triển du lịch qua khu vực cù lao An Bình. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng khung tạo động lực phát triển đô thị. Từng bước nâng cao chất lượng đô thị nhằm hoàn thiện tiêu chuẩn đô thị loại II.
Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đô thị nhằm hoàn thiện các chỉ tiêu của đô thị loại II. Huy động các nguồn lực phát triển mở rộng khu đô thị lõi về khu vực các phường Tân Ngãi, Tân Hòa, Tân Hội, Trường An và các xã Tân Hạnh, Phước Hậu, Thanh Đức; thu hút đầu tư hoàn thiện khu công nghiệp phía Tây, phát triển hoàn chỉnh khu du lịch cù lao An Bình.
Tổng mức đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khung, công trình đầu mối ưu tiên trên địa bàn TP Vĩnh Long khoảng 27.204,93 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2020-2025 là 14.725,9 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 12.479,03 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn ngân sách (trung ương, tỉnh, thành phố) chiếm 44,5% (khoảng 12.118,4 tỷ đồng); vốn vay, viện trợ chiếm 9,85% (khoảng 2.679,8 tỷ đồng) và vốn xã hội hóa (từ doanh nghiệp, huy động nhân dân) chiếm 45,6% (khoảng 12.406,7 tỷ đồng).
Giải pháp nguồn vốn, tận dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, vốn vay từ ngân hàng chính sách; nguồn vốn ngân sách và tín dụng ưu đãi để hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, trong đó xác định rõ các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên. Huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án…