Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo một số người đã sập bẫy tìm “việc nhẹ lương cao” nơi xứ người.
Thủ đoạn của tội phạm mua bán người
Theo thống kê từ đầu năm 2021 đến tháng 8/2022, Lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia đã hỗ trợ phối hợp giải cứu hơn 600 người Việt Nam bị đưa sang lao động bất hợp pháp tại Campuchia. Đây là hồi chuông cảng báo cho những người muốn tìm “việc nhẹ lương cao” nơi xứ người.
Những đối tượng mua bán người có thể là công dân nước ngoài là nam hoặc nữ, là thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, người quen hoặc chỉ là người lạ, đơn độc hoặc phần tử của một tổ chức tội phạm có mạng lưới rộng lớn. Các đối tượng này thường dụ dỗ hoặc cưỡng bức nạn nhân lao động và cưỡng bức hoạt động tình dục bằng cách thao túng và khai thác các điểm yếu của nạn nhân thông qua việc hứa hẹn một công việc được trả lương cao.
Cảnh tượng 40 người tháo chạy khỏi Casino Campuchia trước khi nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Nạn nhân của tội phạm mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, địa bàn biên giới, người dân tộc đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Có những trường hợp không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội, thiếu kỹ năng sống, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ, cả tin.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các đối tượng mua bán người đã lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa phụ nữ tại các vùng nông thôn, miền núi. Chúng lợi dụng công nghệ thông tin qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber... để làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép.
Ngoài ra, các đối tượng mua bán người còn lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam và nhu cầu lao động ở nước ngoài đã tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi ra nước ngoài, chúng thu giữ giấy tờ tùy thân, bán để cưỡng bức lao động, quỵt tiền lương hay báo cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ và trục xuất về nước hoặc dùng bạo lực khống chế đòi tiền chuộc.
Lực lượng chức năng kiểm tra hung khí của bọn tội phạm mua bán người.
Thời gian qua đã xuất hiện các đường dây môi giới lập tài khoản trên mạng với tên giả dùng “tiền” làm mồi nhử, thông qua mạng lưới cò mồi đến các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó, bán để cưỡng bức lao động.
Phòng chống, đấu tranh tội phạm mua bán người
Trước mắt, các cơ quan chức năng nâng cao công tác tuyên truyền trong nhân dân về tội phạm mua bán người. Theo khoản 1, Điều 150 Bộ luật hình sự 2015: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt từ từ 05 năm đến 10 năm: a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.”
Tuyên truyền truyền vận động nhân dân cảnh giác với tội phạm mua bán người tại vùng đồng bào dân tộc Chăn tại xã Bình Sơn, Long Thành, Đồng Nai.
Đối với cơ quan, đoàn thể: Thường xuyên triển khai thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán có trọng tâm trọng điểm, có sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp nhịp nhàng. Đổi mới cả về nội dung và phương thức tuyên truyền đối với loại tội phạm mua bán người, nhất là tuyên truyền trên không gian mạng như hội nhóm trên zalo, facebook… tập trung vào các đối tượng trẻ vị thành niên, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...
Đối với cá nhân cần nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đặc biệt, nhất là nhóm trẻ tuổi, cần cảnh giác đề phòng người lạ hoặc người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc làm hoặc rủ hợp tác làm ăn như hứa hẹn tìm việc có thu nhập cao trong nhà máy, cửa hàng, quán bar, lấy chồng nước ngoài.
Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là người lạ mới quen biết. Hãy tham khảo ý kiến của nhiều người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai. Ghi nhớ địa chỉ, số điện thoại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Công an, Quân đội, người thân, Hội Phụ nữ… để có thể liên hệ nhờ trợ giúp khi cần thiết.