Chiều 6/12, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND.
Mức thu phí Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long: 100.000 đồng/lượt/khách (Trước đó, 30.000 đồng/lượt/khách).
Cụ thể, mức thu phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội thay đổi như sau:
- Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám: 70.000 đồng/lượt/khách
- Di tích Đền Ngọc Sơn: 50.000 đồng/lượt/khách
- Di tích Nhà tù Hỏa Lò: 50.000 đồng/lượt/khách
- Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long: 100.000 đồng/lượt/khách
- Di tích Cổ Loa: 30.000 đồng/lượt/khách
- Di tích Chùa Hương: 120.000 đồng/lượt/khách (trong đó có 2.000 đồng bảo hiểm khách du lịch)
- Di tích Đền Quán Thánh: 10.000 đồng/lượt/khách
- Làng cổ Đường Lâm: 20.000 đồng/lượt/khách
- Chùa Thầy: 10.000 đồng/lượt/khách
- Chùa Tây Phương: 10.000 đồng/lượt/khách
Các đơn vị trực tiếp quản lý di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tổ chức thu phí trực tiếp.
Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa .
Đối tượng miễn thu phí là người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1, Điều 11, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật người khuyết tật; trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em (người dưới 16 tuổi).
Đối tượng giảm 50% mức phí là người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 2, Điều 11, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên có thẻ người cao tuổi (hoặc thẻ căn cước công dân/ các loại giấy tờ khác chứng minh); học sinh, học viên, sinh viên từ 16 tuổi trở lên có thẻ học sinh, học viên, sinh viên do các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam cấp; các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa.
Thời gian các di tích không thu phí: Vào ngày di sản văn hóa 23/11; ngoài ra Đền Ngọc Sơn không thu phí ngày giỗ Thánh 20/8 Âm lịch, các ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng trong năm. Tại Chùa Hương không thu phí ngày 30, 1, 2 Tết Nguyên đán; ngày lễ Phật Đản (15/4 âm lịch). Tai Đền Quán Thánh, chùa Tây Phương, chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm không thu phí các ngày 30/12 âm lịch, ngày 1, 2 Tết Nguyên đán.
Trước đó, Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về việc ban hành các quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền Quyết định của Hội đồng Nhân dân thành phố quy định phí tham quan mỗi lượt của một khách như sau: Mức thu phí 30.000 đồng/lượt đối với các di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ngọc Sơn, Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long; 10.000 đồng/lượt với di tích Cổ Loa và 78.000 đồng/lượt với thắng cảnh Chùa Hương.
Như vậy, với việc Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết này, hầu hết phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã tăng giá.
Ngoài ra, về quản lý sử dụng phí, Nghị quyết quy định đối với Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò và Di tích thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long (Khu Hoàng thành và Di tích Cổ Loa), đơn vị thu phí được giữ lại 90%, nộp ngân sách nhà nước 10%.
Đối với Di tích Chùa Hương, đơn vị thu phí nộp ngân sách nhà nước 85% (bao gồm kinh phí tôn tạo, tu bổ khu di tích và kinh phí tổ chức lễ hội cho Ban Tổ chức lễ hội, xã Hương Sơn); để lại cho đơn vị thu phí 15%.
Đối với đền Quán Thánh, chùa Thầy, chùa Tây Phương, nộp ngân sách nhà nước 100%. Đối với Làng cổ Đường Lâm, 100% phí tham quan được để lại cho đơn vị thu phí.