Vậy không lẽ chỉ có các DN hàng không bị ảnh hưởng? Cả xã hội, trong đó có chính những “thượng đế” của họ cũng bị ảnh hưởng đó thôi.
Rồi họ lấy lý do giá nhiên liệu tăng cao, rồi chi phí này, khó khăn kia và vân vân, vân vân những lý do được đưa ra để bào chữa cho việc tăng giá vé. Họ còn thản nhiên rằng, người dân có quyền lựa chọn, vé máy bay đắt quá thì chuyển sang phương tiện khác. Điều này hoàn toàn chính xác. Song có lẽ các hãng hàng không đang quá tự mãn về sức hút của mình.
Ắt hẳn các hãng hàng không cho rằng, kể cả giá vé tăng cao, “thượng đế” cũng phải chấp nhận thôi. Bởi cái tâm lý bị thao túng rồi, rằng thôi thì bỏ thêm tiền mà đi máy bay cho nhanh, cho tiện, đỡ phải “hành xác” trên những chuyến xe, chuyến tàu chật chội mà tốc độ đi lại chậm chạp hơn nhiều. Thời gian là vàng mà. Đã là vàng thì mua với giá cao cũng đáng.
Ấy thế nhưng mọi chuyện đang dần diễn biến theo cách khó lường. Đầu năm 2023, sau cao điểm Tết “nóng bỏng tay”, thị trường vé máy bay đột nhiên ảm đạm một cách bất thường. Ngay cả khi cao điểm Hè 2023 đến rồi đi qua cũng không đủ sức hâm nóng được thị trường vé. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, vé máy bay rơi vào tình trạng ế ẩm dù nhiều hãng không ngừng khuyến mại, giảm giá “sập cả sàn”. Đó chính là lời cảnh báo đầu tiên của các “thượng đế” dành cho các hãng hàng không.
Song, có vẻ như lời cảnh báo đó chưa đủ sức nặng hoặc chính những hãng hàng không không quan tâm đến phản ứng này của khách hàng. Bằng chứng là ngay sau cao điểm Tết 2024, giá vé máy bay lại đang bị đẩy lên cao một cách chóng mặt. Thậm chí, giá vé máy bay vào thời điểm cuối tháng 2 này còn cao hơn cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đương nhiên các hãng bay thì vẫn có những cách lý giải nghe rất hợp lý cho cái giá vé cao một cách phi lý mà mình đưa ra. Và, một lần nữa người chịu thiệt lại là các “thượng đế”.
Đầu năm là thời điểm rất quan trọng cho cả một năm dài phía trước, phải đi lại gặp mặt, họp bàn, ký kết, mua sắm… Không đi không được và đó là lý do dù giá vé máy bay đang cao ngất ngưởng nhưng vẫn liên tục “cháy hàng”. Vé hạng phổ thông còn khan hiếm chứ đừng nói đến vé rẻ. Một lần nữa, các “thượng đế” lại buộc phải chấp nhận nhưng theo cái cách không thể khó chịu hơn.
Có một chuyên gia từng đưa ra nhận định rằng, theo quy luật thì các đường bay đông khách, tính cạnh tranh cao thì các hãng bay muốn lôi kéo hành khách đến với mình phải giảm giá để tăng khả năng cạnh tranh. Ý kiến này hoàn toàn đúng nhưng ngoại trừ hàng không. Bẳng chứng là lâu nay, các hãng bay cứ trực chờ thời điểm lễ, Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao là… tăng giá vé. Càng cao điểm càng tăng và càng đường bay vàng, nhu cầu lớn vé… càng đắt. Cái diễn biến kỳ quặc này của thị trường vé máy bay, đố chuyên gia nào lý giải nổi. Nhưng các hãng bay cứ đợi xem, sức chịu đựng và chịu nhịn của các “thượng đế” cũng có giới hạn.
Nếu ngành hàng không cứ tiếp tục đối xử với khách hàng theo cách tận thu, chỉ đặt lợi ích lên hàng đầu thì sẽ có lúc bị chính “thượng đế” của mình quay lưng, tẩy chay. Ấy là chưa nói đến những tác động tiêu cực từ các ngành kinh tế khác như du lịch, dịch vụ…