Việc đưa ra các thông tin chuẩn xác về nhu cầu của thị trường lao động cũng như nguồn cung của lao động sẽ tác động rất lớn đến việc thông tin, dự báo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Internet. |
Khó khăn do đâu?
Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), nhờ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động, đến nay các số liệu khai thác về thông tin như trình độ học vấn, lao động theo trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục đào tạo, lao động có việc làm chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, theo vị thế việc làm, khu vực... đã được các địa phương dùng để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng các chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phục vụ công tác quản lý lao động,...
Tuy nhiên, dù đã được triển khai trong một thời gian dài, nhưng việc khai thác sử dụng dữ liệu trên không ít hạn chế. Nguyên nhân chính là do số liệu không đầy đủ, độ tin cậy số liệu chưa cao, số liệu hàng năm vẫn có sự chênh lệch so với số liệu của cơ quan thống kê công bố.
Đặt câu hỏi về độ hiệu quả và chính xác của việc thống kê cung – cầu lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, Cục Việc làm phải đánh giá việc khảo sát cung và cầu thị trường lao động triển khai trong thời gian qua. Bởi với thị trường lao động mở và thường xuyên biến động trong thời gian qua, việc thống kê cung lao động theo từng năm đã thực sự hiệu quả?
Bên cạnh đó, dù việc triển khai cơ sở dữ liệu cung cầu lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều tiết nhu cầu của thị trường lao động. Song do hạn chế về kinh phí, về lực lượng điều tra viên, độ tin cậy của số liệu không cao do chất lượng của điều tra viên hạn chế, thường xuyên thay đổi. Đồng thời, do mức độ đô thị hóa cao, chia tách địa lý nên vẫn còn xảy ra nhiều sai sót.
Đáng chú ý, theo ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, hiện nguồn cung lao động được thống kê theo từng năm. Số lượng lao động tại từng địa phương biến động hàng năm khoảng 15-10%. Trong quá trình điều tra thông tin về nguồn lao động, không ít điều tra dựa theo số liệu của ngành thống kê dẫn đến việc số liệu chưa chính xác. Còn thống kê về nhu cầu thị trường lao động, rất nhiều doanh nghiệp từ chối cung cấp số liệu về bảo hiểm xã hội, tiền lương, hợp đồng. Đôi khi, việc điều tra phải có sự phối hợp của Thanh tra lao động, Công an. Có thể kể đến trường hợp khảo sát mới đây tại Đồng Nai, có đến hơn 28.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhưng kê khai thuế chỉ hơn 17.000 doanh nghiệp. Hay nhiều doanh nghiệp khi đến khảo sát theo địa chỉ đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư thì không tìm thấy.
Cần có định hướng dài hơi
Trên thực tế, hiện trên thị trường lao động vẫn xảy ra tình trạng lệch pha về cung cầu lao động, nơi thừa nơi thiếu lao động, điều này cho thấy sự kết nối giữa cung và cầu thị trường lao động còn nhiều bất cập. Hệ quả là ở nhiều thành phố lớn dù doanh nghiệp đỏ mắt tuyển nhân sự trong khi người lao động lại thất nghiệp.
Việc phân bổ không đồng đều lao động ở các lĩnh vực đang ngày càng rõ nét hơn, trong khi chúng ta dư thừa lao động chưa qua đào tạo ở nông thôn thì ở các lĩnh vực công nghiệp, kỹ thuật lại thiếu lao động. Vì vậy, việc đưa ra các thông tin chuẩn xác về nhu cầu của thị trường lao động cũng như nguồn cung của lao động sẽ tác động rất lớn đến việc thông tin, dự báo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ đó tập trung đào tạo vào các phân khúc lao động mà thị trường đang thiếu.
Theo bà Lê Thị Trang Đài, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, cũng như một số địa phương, việc kết nối cung cầu đang được triển khai qua hệ thống thứ nhất là Trung tâm giới thiệu việc làm qua trang web, qua các sàn giao dịch lưu động về các địa phương. Việc kết nối này cũng mang tính chất cơ học để doanh nghiệp và người lao động tự tìm nên đến nay chưa hiệu quả. “Thậm chí, nhiều người còn đặt câu hỏi có nên để tồn tại các Trung tâm giới thiệu việc làm nữa hay không?”, bà Đài nhấn mạnh.
Vì vậy, điều cần thiết hiện nay là việc điều tra, thu thập dữ liệu cung - cầu lao động phải được thực hiện hết sức bài bản, có định hướng rõ ràng trong 5-10 năm, bởi hiện nay việc xây dựng được những kế hoạch dự báo này còn phụ thuộc rất lớn vào chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp vì Nhà nước không thể hoạch định hoặc giao chỉ tiêu việc làm cho doanh nghiệp được. Sự phát triển của doanh nghiệp dựa vào nhiều yếu tố về cơ cấu lao động, lợi nhuận, chiến lược kinh doanh, tương ứng với đó là cần những định chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, từ đó mới có cơ hội mở rộng quy mô và xây dựng được phương án sử dụng lao động dài hơi hơn.
Đối với những doanh nghiệp không có định hướng phát triển lao động thì gần như việc tuyển dụng chỉ bù đắp cho sự thay đổi lao động trong chiến lược ngắn hạn. Chỉ có có cách duy nhất để doanh nghiệp phát triển thì họ mới xây dựng được những kế hoạch sử dụng lao động dài hơi từ 5 – 10 năm, còn bản thân doanh nghiệp không có chiến lược phát triển sản xuất trong tương lai thì làm sao họ có thể dự báo được cần bao nhiêu lao động cho những năm tiếp theo. Bài toán đặt ra là việc có tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người lao động hay không phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp, doanh nghiệp phải mạnh thì mới tạo được nhiều việc làm.