Ga phía Bắc: Nhan nhản “cò” vé
Có mặt trước cổng ga Hà Nội một sáng trung tuần tháng 12, nhóm PV Báo Lao động tận mắt chứng kiến cảnh tượng cả chục “cò” vé đứng đợi sẵn, chỉ chờ khách qua để… vồ lấy. Không khó để phân biệt những người này giữa đám đông, bởi cử chỉ nhanh nhẹn, mắt đảo như rang lạc, còn miệng thì liên tục chèo kéo. Vì thế, bất chấp sự an nguy của những người tham gia giao thông, chỉ cần thấy khách dừng lại hay đi qua cổng ga, lập tức các đội “cò” lao đến “hỏi thăm” nhiệt tình.
Và chúng tôi hiển nhiên không thoát được sự bủa vây của nhóm người này khi dừng bước trước cổng ga Hà Nội. Gần như lập tức, 3 người vội vã cắt ngang đường Lê Duẩn để chạy đến, họ gồm gồm 2 nữ và 1 nam, hồ hởi: “Mua vé Tết hả em? Đi ngày nào anh/chị lấy vé cho”.
Dường như là người có thâm niên và uy tín hơn cả, người đàn ông trung tuổi, tự giới thiệu tên T nhanh chóng giằng mạnh chúng tôi ra khỏi đám đông rồi kéo ra một góc khác. Ông này vừa đi vừa tự hào giới thiệu: “Mấy mụ kia cũng chỉ lấy lại của anh thôi, nếu thằng em đồng ý anh xử lý luôn cho, vào trong đông lắm, thủ tục rườm rà. Em đi đâu lấy của anh, bao nhiêu cũng có”.
Sau khi PV ngỏ ý muốn đi mua vé đi Vinh vào 27 Tết (tức 24/1/2017), người đàn ông này đã dẫn chúng tôi đến một cửa hàng tạp hoá bên cạnh và giới thiệu cho một người phụ nữ ngoài 40 tuổi tên N. để giao dịch. Thấy có khách, người phụ nữ tên N. mau miệng: “Giá vé niêm yết trên bảng giá trong ga bọn em chắc cũng đã thấy, ở ngoài này chị chỉ lấy chênh lệch 250.000 đồng/vé. Nếu em thấy tin tưởng thì đưa chứng minh thư và tiền, vé có sẵn ở chỗ chị rồi, mua là có, không phải đợi ngày lấy”. Với vé ngồi mềm điều hoà đi Vinh ngày 27 Tết thông tin giá niêm yết của nhà ga là 255.000 đồng/vé, điều đó có nghĩa, thông qua “cò” đã bị đẩy lên mức hơn 500.000 đồng/vé.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ lưỡng lự, người phụ nữ này lập tức đề nghị xin số điện thoại và nói: “Em cứ đi khảo giá đi, giá chị đưa ra là tốt nhất rồi, cần thiết chị giảm cho 30.000 đồng nhé. Có gì chiều alô cho chị, chị lấy vé cho, khi nào nhận vé lên tàu chị mới lấy tiền”. Người này cũng cho biết thêm, nên mua vé sớm vì càng giáp Tết thì giá sẽ càng cao. Thế nhưng, khi trực tiếp vào quầy vé trong ga Hà Nội để đặt mua, chúng tôi được biết loại vé chúng tôi vừa hỏi “cò” vẫn còn khá nhiều. Trong khi đó, cảnh chen lấn xô đẩy hay xếp hàng chờ mua vé cũng không còn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại ga Hà Nội không chỉ những đội “cò” chuyên nghiệp nói trên mà ngay cả những người đàn ông chở xe ôm ở đây, vào những dịp giáp Tết cũng tranh thủ làm “cò nghiệp dư” mời chào khách mua vé tàu Tết.
Lý giải về sự lạ này, một cán bộ đang công tác tại ga Hà Nội cho biết, do người dân từ xưa vẫn mặc định trong đầu rằng mua vé tàu là khó khăn, là phải chen lấn, chờ đợi… nên phát sinh tâm lý ngại ngần. “Nhiều người cũng chẳng buồn đặt chân vào trong sảnh để xem thực hư thế nào, xem có đông thật không. Cứ thấy “cò” nói là “đông lắm, khó khăn lắm” đã vội vã tin nên mới mất tiền cho chúng”, vị cán bộ cho biết.
“Cò” vé xuất hiện nhan nhản trước ga Hà Nội. |
Ga phía Nam: Xuất hiện nạn lừa đảo
Còn tại khu vực miền Nam, sự việc thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi chỉ trong 2 ngày 11 - 12.12, ga Sài Gòn phát hiện tới 8 vé tàu không hợp lệ của hành khách trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 có dấu hiệu sửa tên và giấy tờ tùy thân.
Theo ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, thì sự việc được phát giác khi chiều 11/12, một hành khách đến ga nhờ kiểm tra 4 vé tàu (mẫu A4) chặng TPHCM đi Thừa Thiên Huế ngày 23 và 25/1/2017. Kết quả kiểm tra, 4 vé tàu nêu trên không trùng khớp tên và giấy tờ thân của người đi tàu. Khi được hỏi, “khổ chủ” cho biết, tất cả đều được mua thông qua “cò”.
Đến sáng 12/12, đơn vị này tiếp tục phát hiện thêm 4 vé tàu giả được hành khách mang tới ga Sài Gòn nhờ kiểm tra. Những vé này đều được in từ mẫu giấy A4 và nếu nhìn bằng mắt thường, các thông tin trên vé rất giống vé thật in từ hệ thống bán vé điện tử của ngành đường sắt. Hiện, những vé giả này đã được Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn gửi thông tin qua Công an phường 9 (quận 3, TPHCM) để tiến hành điều tra. Ông Văn khuyến cáo, theo quy định của ngành đường sắt, vé đi tàu Tết phải trùng khớp tên, số chứng minh nhân dân của người đi tàu; những trường hợp không trùng khớp coi như vé không hợp lệ và không được giải quyết đi tàu. Vì vậy, người dân không nên mua vé từ “cò” để tránh mua nhầm vé giả hoặc vé đã cạo sửa tên, số chứng minh nhân dân...
Trong thời điểm này, những hành khách đã mua vé từ những nơi bán vé không chính thức của ngành đường sắt (đặc biệt là những vé tàu đi trong dịp Tết) nên lưu ý kiểm tra lại vé trên website: http://dsvn.vn/#/kiemtrave để tránh mua phải vé giả, vé không đúng tên và số giấy tờ tùy thân. Khi vé không hợp lệ, người dân cần nhanh chóng thông báo cho người có trách nhiệm ở các nhà ga lớn.
Cũng theo ông Đỗ Quang Văn, hiện nay, trên mạng đã xuất hiện một số trang website bán vé tàu Tết với giá đắt gấp 4 - 5 lần so với giá vé của ngành đường sắt. Những trang này có tên miền rất giống trang website chính thức mà ngành đường sắt đưa ra. Cụ thể, các website như: vietnam-railway.com, vietnamtrainticket.com, vietnamrailways.net, cheapvietnamtrain.com… đều là các trang bán vé giả mạo.
Để đảm bảo mua được vé tàu tết, tìm hiểu thông tin giờ tàu, giá vé và một số quy định khác, người dân, người lao động hãy truy cập vào trang website chính thức của TCty Đường sắt Việt Nam là http://dsvn.vn để tránh bị lừa đảo.