1. Gần đây, để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn, ngày 23/8/2021 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 1102/CĐ-TTg, về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài, lỏng trong”. Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan…
Thực tế cho thấy, cùng với nhiều biện pháp phòng, chống dịch thời gian qua, thì Chỉ thị 16/CT-TTg ngày càng tỏ rõ hiệu quả.
|
Kiểm soát người đi đường trong vùng dịch bằng mã QR tại TP Hồ Chí Minh |
Để vừa vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” này.
Việc cấp “giấy đi đường” cho một số nhóm đối tượng trong thời gian các địa phương siết chặt thực thi Chỉ thị 16/CT-TTg là một trong những biện pháp hành chính phục vụ cho nhiệm vụ“mục tiêu kép” này.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, bên cạnh những đồng thuận, cũng có ý kiến trái chiều với “giấy đi đường” trong giãn cách…
2. Đã có chuyên gia pháp lý cho rằng, một số địa phương áp dụng biện pháp kiểm soát người dân ra đường bằng việc cấp giấy đi đường có mã QR là không có căn cứ về cơ sở căn cứ pháp lý. Ý kiến này cho rằng, hiện luật pháp không có điều khoản nào quy định về việc hạn chế quyền tự do đi lại của công dân.
Theo đó, việc cấp “giấy đi đường”… phải trên cơ sở tôn trọng quyền của công dân mà Hiến pháp 2013 quy định thể tại Điều 23 “Quyền tự do đi lại được ghi nhận với tư cách là quyền cơ bản của con người, của công dân”.
Việc cấp giấy đi đường nhằm để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, thì phải theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Việc này không thuộc chức năng của cơ quan nhà nước, mà cấp giấy đi đường, giấy đi công tác, giấy công vụ là việc của cơ quan chủ quản, nhằm đảm bảo chức năng, nhiệm vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh… Công an tự cho mình quyền này là chưa tôn trọng pháp luật.
Cũng theo ý kiến này, nếu muốn hạn chế quyền của công dân thì phải ban hành luật và căn cứ vào luật để ban hành các văn bản dưới luật, trong đó có các biện pháp triển khai cụ thể để thực hiện.
Hiện nay, chưa có luật liên quan nên việc này không có cơ sở pháp lý và rõ ràng quyết định này là vi hiến theo khoản 2 điều 14 của Hiến pháp 2013
3. Trở lại với dịch Covid-19, ngày 29/01/2020, Bộ Y tế có Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (có tên gọi là Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A… Quyết định 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2020, cũng công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Theo khoản 2 Điều 53 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, thì Trưởng Ban chỉ đạo chống dịch thành lập các chốt, trạm kiểm dịch để thực hiện các biện pháp kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A. Như vậy có thể hiểu rằng, chỉ những ai được phép mới có thể đi lại trong phạm vi vùng dịch.
Về nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo Điều 4 của Luật này “Lấy phòng bệnh là chính… Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội”.
Như vậy có thể thấy, việc giao cơ quan Công an cấp và kiểm soát giấy đi đường trong giai đoạn giãn cách xã hội là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.
Mặt khác, để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, ngày 28/7/2021 Quốc hội có Nghị quyết 30/2021/QH15, tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp.
Nghị quyết 30/2021/QH15 cũng nói rõ, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.
Nếu cho rằng, theo khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013 quy định “Quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết...”. Và nếu muốn hạn chế quyền của công dân thì phải ban hành luật và căn cứ vào luật để ban hành các văn bản dưới luật, trong đó có các biện pháp triển khai cụ thể để thực hiện. Hiện nay, chưa có luật liên quan nên việc này không có cơ sở pháp lý và rõ ràng quyết định này là vi hiến… là chưa chính xác.
Xin nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg “…Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân”.
Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, các Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 và Quyết định số 07/2020/QĐ- TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thì bệnh Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A (tức là nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao). Lúc này, Ban Chỉ đạo chống dịch được thành lập có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch; trong đó có nhóm biện pháp "kiểm soát ra, vào vùng dịch đối với dịch bệnh thuộc nhóm A", bao gồm biện pháp “hạn chế ra, vào vùng có dịch đối với người và phương tiện” theo Điều 53 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện dựa trên tình hình thực tế tại địa phương, Ban Chỉ đạo có quyền phân công, phân cấp cho cơ quan chức năng (theo ngành và lĩnh vực quản lý) tổ chức kiểm tra, giám sát và cấp phép mà cụ thể là cấp “giấy đi đường” là hoàn toàn phù hợp. Luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh |