Năm học 2017 - 2018, TP.HCM có khoảng 81.000 thí sinh dự thi vào lớp 10, tăng 13.000 thí sinh so với năm học trước, nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập năm nay chỉ khoảng 76-77% (hơn 63.000 chỉ tiêu). Điều này khiến cuộc chạy đua vào lớp 10 trở nên căng thẳng và áp lực lớn đối với học sinh, phụ huynh và các trường.

Học sinh tăng, chỉ tiêu giảm
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, số lượng thí sinh thi chuyển cấp năm học 2017-2018 tăng là do tăng dân số cơ học ở TP.HCM, ngoài ra còn do quan niệm của nhiều gia đình chọn vào năm tốt sinh con nên có một số năm số lượng học sinh sẽ rất cao. Trong khi đó, hiện đến thời điểm này, TP.HCM chưa có thêm trường THPT mới. Như vậy, sẽ có khoảng 18.000 học sinh không thể theo học tại các trường công lập.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, năm nay mỗi thí sinh thi lớp 10 tại TP.HCM sẽ đăng ký 3 nguyện vọng (NV), chưa kể NV vào các trường chuyên. Phần mềm xét tuyển của Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo nguyên tắc nếu thí sinh không trúng tuyển NV1 sẽ chạy tiếp sang các NV khác. Nếu đã trúng tuyển thì sẽ không còn tên khi xét các NV khác. Điểm chuẩn không phải do trường THPT quyết định từ trên xuống, vì vậy học sinh cần đăng ký NV chính xác và thỏa mãn điểm chuẩn thì chắc chắn có tên trong danh sách trúng tuyển. Thông thường, việc lựa chọn NV sẽ dựa vào các tiêu chí như kết quả học tập lớp 9, điểm chuẩn các năm trước và trường THPT gần nhà để thuận tiện cho việc đi lại trong 3 năm THPT.
Thầy Đinh Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực cho rằng: “Hãy dựa vào kết quả học tập năm lớp 9 của 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, và đặc biệt là bài kiểm tra cuối năm. Nên lấy điểm 3 môn này nhân với hệ số theo quy định của kỳ thi và tùy mức độ khó dễ của đề thi ở mỗi quận huyện “trừ hao” còn lại 85% - 90%. Sau khi có kết quả dự đoán, học sinh nên chọn NV1 là trường yêu thích và tương ứng với sức học, NV2 là trường gần nhà hoặc các quận lân cận nhưng vẫn nằm trong khả năng. Còn NV3 là phương án dự phòng, đó là trường có điểm thấp hẳn so với khả năng của mình”.
Thầy Đặng Xuân Lộc, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, chia sẻ: “Dựa vào trình độ của từng học sinh, tôi thường tư vấn cho các em nên chọn NV2 là các trường có điểm chuẩn những năm trước thấp hơn các trường NV1, còn NV3 là các trường có điểm chuẩn những năm trước thấp hơn NV2 từ 3 đến 4 điểm. Với những học sinh có học lực ổn định trong suốt năm, điểm trung bình luôn đạt trên 9, phụ huynh nên khuyến khích dự thi vào trường, lớp chuyên. Còn khi đăng ký NV các trường THPT thường, thì nên chọn NV1 vào Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Hữu Cầu... Và NV3 nên chọn các trường hàng năm có điểm chuẩn từ 20 trở lên”.
Trường nghề rộng cửa
Tuy cánh cổng các trường công lập đang hẹp dần, nhưng với thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” và số lượng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm như hiện nay, học sinh có thể chọn cho mình cánh cửa học nghề đang rộng mở. Để khuyến khích học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9 chọn học nghề, phù hợp với năng lực của bản thân, tham gia vào thị trường lao động có thu nhập cho bản thân và gia đình, ngành giáo dục TP.HCM đã đưa ra nhiều chính sách để thu hút học sinh vào bậc học này.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, trong năm học này nếu không vào được lớp 10 công lập, các em có thể học ở trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT ngoài công lập với chỉ tiêu 17.000. Hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp với chỉ tiêu tuyển sinh học nghề khoảng 40.000 chỉ tiêu. Đặc biệt, học sinh có hộ khẩu tại TP.HCM tốt nghiệp THCS theo học tại các trường nghề trên địa bàn thành phố sẽ được miễn 100% học phí.
Theo đó, các em cần xác định rõ năng lực của mình, nếu không đủ khả năng tiếp tục học lên THPT thì có thể chọn học nghề. Nếu chọn vào trung cấp chuyên nghiệp 9+3,5 năm hoặc 9+4 năm, các em vừa học nghề vừa học chương trình THPT theo hệ giáo dục thường xuyên. Khi hoàn thành chương trình học, các em sẽ được lợi nhiều hơn vì sẽ tốt nghiệp cùng một lúc hai bằng: tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp và tốt nghiệp THPT. TP.HCM vừa đề xuất mô hình 9+5 năm, HS tốt nghiệp THCS có thể học thẳng lên cao đẳng chính quy mà không cần phải đợi đến khi tốt nghiệp THPT rồi mới thi.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, thí sinh sẽ thi vào ngày 2/6 và 3/6 (sớm hơn 10 ngày so với năm trước) với 3 môn lần lượt là Ngữ văn (120 phút), Ngoại ngữ (60 phút) và Toán (120 phút). Dự kiến, vào đầu tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ tổng hợp số lượng học sinh đăng ký các nguyện vọng 1, 2, 3 trên toàn thành phố để phụ huynh học sinh và học sinh có thể xin thay đổi nguyện vọng, nếu muốn.