Trước sự cạnh tranh quyết liệt từ các thương hiệu tiêu biểu của nền công nghiệp 4.0 và tự nhận thấy mô hình quản lý quá nặng nề, thiếu linh hoạt, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Group) đã ra nghị quyết triệu tập và tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để xin ý kiến thông qua phương án hợp nhất ba pháp nhân gồm: Công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc (MLN), Công ty cổ phần Mai Linh Miền Trung (MNC) và Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh.
Đại hội cổ đông bất thường của 3 công ty này sẽ được tổ chức từ 30/11 đến 3/12. Đây là 3 công ty đầu mối phụ trách hoạt động kinh doanh taxi của hệ thống Mai Linh tại Miền Bắc, Bắc Trung Bộ và Miền Nam. Dưới các công ty này là hàng chục các công ty con kinh doanh tại các tỉnh thành.
Biểu đồ Doanh thu toàn Tập đoàn Mai Linh theo phân bổ địa lý |
Được biết, CTCP Tập đoàn Mai Linh là công ty mẹ nắm giữ 47,79% vốn điều lệ của Mai Linh Miền Trung và 47,86% vốn điều lệ của Mai Linh Miền Bắc. Theo Kế hoạch sáp nhập, công ty sẽ thống nhất Một Mai Linh về quản lý, chất lượng, kiểm soát và tiến tới mời đơn vị tư vấn đánh giá để niêm yết lên sàn chứng khoán nước ngoài.
Hiện tại, hệ thống Mai Linh đang khá "cồng kềnh. Tính đến 30/6/2017, CTCP Tập đoàn Mai Linh – công ty nòng cốt của cả hệ thống – đang có 32 chi nhánh và 13 công ty con trực tiếp cùng 39 công ty con gián tiếp (công ty con của các công ty con trực tiếp) với đội ngũ nhân viên gần 24.000 người.Trong đó, Mai Linh Miền Bắc hiện sở hữu 15 công ty con và Mai Linh Miền Nam sở hữu 10 công ty con.
Khoảng thời gian cuối năm 2014 đến 2016, Mai Linh đã thành lập các chi nhánh tại khu vực miền Nam và Nam Trung Bộ Tây Nguyên. Theo đó, hoạt động kinh doanh taxi được chuyển từ công ty con tại từng tỉnh thành ở khu vực này sang chi nhánh của Tập đoàn.
Việc chuyển đổi thành mô hình một văn phòng trụ sở chính và các chi nhánh trực thuộc sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí quản lý. Mai Linh đang rà soát, giải thể các pháp nhân không còn hoạt động và xử lý triệt để các quan hệ pháp lý đảm bảo an toàn cho hệ thống.