Thứ 5, 10/10/2024, 12:04 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Quản lý chất lượng nước đóng chai, đóng bình: Triệt tận gốc hàng giả, hàng nhái

Quản lý chất lượng nước đóng chai, đóng bình: Triệt tận gốc hàng giả, hàng nhái
(Tieudung.vn) - Sáng 27/9, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội thảo “Công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nước uống đóng bình trên địa bàn TP Hà Nội”. Vấn đề phối hợp quản lý giữa các cấp chính quyền và cơ quan chức năng với truyền thông đã được các đại biểu bàn luận sôi nổi.

Mô tả ảnh
Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Công Thọ.

Hà Nội đi đầu về kiểm soát ATTP nước đóng bình

Theo đánh giá của Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên, qua thanh, kiểm tra trên toàn quốc, Bộ Y tế nhận định Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về công tác kiểm soát ATTP nước đóng chai, đóng bình.

“Tại Hà Nội, công tác quản lý đã được phân cấp cụ thể đến tận xã, phường, thị trấn. Chúng tôi cũng nhận thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc đảm bảo ATTP nói chung và nước đóng bình nói riêng ở Thủ đô” – ông Nguyễn Văn Nhiên .

Đóng cửa cơ sở vi phạm
Cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng, nhất là phải nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý ATTP nước đóng bình. Ngoài việc tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, rà soát các DN trên địa bàn quản lý, chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm minh khi phát hiện sai phạm, đồng thời tái kiểm tra xem cơ sở khắc phục sai phạm đến đâu.

Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải lấy mẫu kiểm nghiệm tại chỗ và mẫu lưu thông trên của bất kỳ đơn vị sản xuất nước đóng bình nào, sau đó công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho người dân. Với những cơ sở không đủ điều kiện yêu cầu đóng cửa, không cho sản xuất, kinh doanh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung

Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, hiện toàn TP có 477 cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền. Trong năm 2018, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 416 cơ sở được thanh tra, kiểm tra. Qua đó, 44 cơ sở đã dừng hoạt động, đóng cửa, 98 cơ sở vi phạm và 7 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 72 cơ sở bị phạt tiền với số tiền hơn 226 triệu đồng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, nhãn sản phẩm không đúng quy định, không có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn… Công tác thanh, kiểm tra có nhiều khó khăn do nhiều cơ sở nhỏ lẻ, len lỏi trong khu dân cư nên khó phát hiện.

Hoặc khi cơ sở ngừng hoạt động lại không báo cho cơ quan quản lý, thậm chí nhiều cơ sở đang xây dựng chưa có giấy phép nhưng vẫn sản xuất thử mà không . Do vậy, ông Tụ đề xuất cần phải phối hợp đến tận thôn, xóm, tổ dân phố để nắm bắt tình hình các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Chỉ ra nguyên nhân khiến một số nhỏ cơ sở sản xuất nước đóng bình chưa đảm bảo ATTP, bà Hà Thu Hương – Thanh tra Sở Y tế cho biết, một phần do chưa có quy định rõ ràng về quy trình khép kín, hay diện tích tối thiểu trong khu vực sản xuất bao nhiêu là đủ.

Chính vì thế mà các cơ sở nhỏ lẻ bố trí thiết kế một cách tự do. Công đoạn vệ sinh bình và nắp tái sử dụng cũng chưa có quy định phương pháp cũng như hóa chất xử lý. Chính vì vậy, Hà Nội đã phải tập huấn đến từng cơ sở về việc tái sử dụng bình, khuyến cáo không sử dụng lại vòi ở bình cũ...

Xử lý triệt để vi phạm

Theo bà Đặng Thị Thanh Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm sinh học và vệ sinh ATTP, trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, hiện nay một số DN tìm mọi cách để giảm chi phí sản xuất, loại bỏ khỏi dây chuyền sản xuất một số thiết bị trong công nghệ hoặc sử dụng bình không đảm bảo vệ sinh.

Ngoài ra, do việc kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình thu lại lợi nhuận lớn và chưa được quản lý chặt chẽ nên thị trường đã và đang xuất hiện nhiều sản phẩm giả, nhái một số thương hiệu lớn. “Cơ quan chức năng đã tổ chức thanh tra, kiểm tra rất nhiều nhưng cần chú trọng hơn đến các cơ sở sản xuất lấy thương hiệu gần giống với các thương hiệu nổi tiếng để qua mắt người , đặc biệt khi phát hiện , phải truy xuất tận gốc để xử lý” – bà Quyên nhấn mạnh.

Mô tả ảnh
Kiểm tra chất lượng nước đóng chai tại Công ty La Vie Việt Nam. Ảnh: Thu Lâm.

Phó Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm Đỗ Chí Linh bày tỏ, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất sẵn sàng bất chấp hậu quả, sức khỏe của . Như trên địa bàn phường Cổ Nhuế 2 hiện nay có 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, qua kiểm tra đã có 3 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động.

“Phường đã phải đề xuất lên quận để xử phạt một cơ sở vi phạm 15 triệu đồng do cấp phường chỉ được phạt tối đa 5 triệu đồng, chúng tôi phải nhờ cả bên công an để giám sát 3 cơ sở này cho đến khi đủ điều kiện mới được phép hoạt động” – ông Đỗ Chí Linh cho hay.

Giảm thời gian kiểm nghiệm nước

Là người trực tiếp phải tham gia thẩm định và lựa chọn nước đóng bình cho hơn 3.000 học sinh của mình, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Trịnh Thị Chung Thủy cho biết, trong quá trình cung cấp nước uống, nhà phân phối phải cam kết đảm bảo quá trình kiểm tra vệ sinh 3 tháng/lần.

Việc giám sát chất lượng trước khi chuyển đến cho học sinh, giáo viên trong trường có người chuyên môn phụ trách. Ngay cả giáo viên cũng kiểm tra kỹ càng trước khi đưa tới cho học sinh uống. Việc kiểm nghiệm mẫu nước cũng được tiến hành ngẫu nhiên và thường xuyên.

“Cần giảm kinh phí xét nghiệm nước cho các đơn vị giáo dục để các nhà trường có thể kiểm tra thường xuyên, đảm bảo an toàn trong sử dụng nước uống đóng bình. Thời gian đi kiểm nghiệm nước cần đẩy nhanh hơn (hiện giờ nhà trường mỗi đợt tiến hành kiểm nghiệm theo đúng quy định là 10 ngày). Bên cạnh đó, cần đưa những DN cung cấp nước không đạt tiêu chuẩn lên truyền thông để người dân và các cơ quan, đơn vị nắm được” – bà Thủy đề xuất.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm cũng cho rằng, hiện cơ quan chức năng đưa ra tới 28 chỉ tiêu cho nước đóng chai, đóng bình là không cần thiết. Cần tập trung xét nghiệm một số chỉ tiêu quan trọng như kim loại, vi sinh để giảm thời gian và chi phí. Bởi, nhiều trường vụ việc thanh tra, kiểm tra khi chờ được kết quả xét nghiệm để xử lý hàng hóa vi phạm thì đã quá muộn. "Quan trọng nhất phải đảm bảo ngay từ nguồn nước đầu vào sản xuất" - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Mặt khác, bà Đặng Thị Thanh Quyên kiến nghị thêm, tất cả các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn Hà Nội cần quán triệt đầy đủ nội dung các văn bản quy định điều kiện sản xuất đảm bảo ATTP. 100% người quản lý và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải được tập huấn kiến thức VSATTP.

Hơn nữa, cần đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến phân phối. Đối với các cơ quan chức năng, cần nâng cao vai trò trách nhiệm, nắm chắc những văn bản này để thực hiện quản lý trên địa bàn và để hướng dẫn các cơ sở thực hiện.

Nhận biết nước đóng bình sạch qua nhãn mác

Các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền giúp người tiêu dùng biết cách khi nhìn vào nhãn mác của chai nước, bình nước thì dấu hiệu nào để chứng minh nhà sản xuất này đã được các cơ quan chức năng chứng nhận đảm bảo ATTP; cách kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng như thế nào. Ngoài ra, trước khi sử dụng, chính người tiêu dùng cần tự kiểm tra bằng cảm quan về những điều cơ bản như vỏ chai phải còn nguyên tem mác, nước trong, không có màu, không vẩn đục, không có mùi.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Bạch Mai

Tags:
3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.26028 sec| 842.273 kb