Đặt bình gas ở góc bếp kín khí
Bình gas cần đặt ở nơi thoáng khí.
Theo chuyên gia về khí hóa lỏng tại TP HCM, một sai lầm phổ biến nhất đối với các gia đình ở thành phố đó là do diện tích nhà phố nhỏ hẹp nên hầu hết đều đặt bình gas ở góc bếp kín khí. Tuy nhiên việc đặt bình gas như thế này khá nguy hiểm bởi hầu hết những tai nạn nguy hiểm đều xảy ra khi dùng bếp gas, bình gas trong phòng kín.
Nếu gas trong bình bị rò rỉ, hơi gas sẽ lan truyền, đẩy ôxy ra ngoài hết, dễ gây ngạt. Hơn nữa trường hợp xảy ra hỏa hoạn, khí CO2 sinh ra trong phòng kín dễ làm cho nạn nhân ngạt thở trước khi chết vì cháy.
Sử dụng nồi, chảo có kích cỡ không phù hợp
Chọn nồi có kích cỡ phù hợp với bếp.
Khi nấu ăn với bếp gas mini, người nội trợ không lưu ý trong việc lựa chọn nồi, chảo. Việc sử dụng các loại nồi, chảo có kích cỡ quá lớn và để làm nóng chúng nhanh cần điều chỉnh ngọn lửa ở mức lớn nhất.
Khi đó vòng lửa từ bếp sẽ tràn rộng ra các phía, tỏa sâu xuống bình gas ở phía bên dưới, làm nóng bình gas, tăng nguy cơ cháy nổ, không đảm bảo an toàn cho người nội trợ.
Còn đối với các loại bếp gas khác nếu chọn kích cỡ nồi, chảo quá lớn thì vòng lửa cũng sẽ trào rộng ra, dù không tiếp xúc trực tiếp với bình gas nhưng nó cũng tiếp xúc với các bộ phận của bếp gas, làm giảm độ bền của bếp.
Trường hợp nồi, chảo kích cỡ quá nhỏ thì ngọn lửa có xu hướng cháy cao lên thành nồi, chảo làm hỏng chất liệu của các vật dụng này.
Do đó, để bảo vệ chính mình khi nấu ăn với bếp gas, tăng độ bền cho bếp và vật dụng nấu, người nội trợ cần chọn kích cỡ nồi, chảo vừa vặn với bếp.
Không quan tâm chất liệu kệ để bếp gas
Kệ để bếp nên làm bằng chất liệu không cháy.
Kệ để bếp gas tuyệt đối không được làm hay trang trí bằng các chất liệu dễ cháy vì lửa từ bếp gas trong quá trình đun nấu rất dễ tiếp xúc với các chất liệu này và gây cháy nổ, gây nguy hiểm nếu bạn không kịp thời dập tắt lửa.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia, bếp gas nên đặt cách trần nhà từ 1 – 1.5 m, cách tường, đồ dùng khác khoảng 15 cm, cách các thiết bị điện tử ít nhất 1.5 m và không nên đặt các vật dụng dễ cháy xung quanh bếp.
Quên khóa van bình gas
Nhớ khóa van bình gas sau khi nấu ăn xong.
Một thói quen không tốt mà nhiều người sử dụng bếp gas hay mắc nhất hiện nay chính là quên khóa van bình gas sau mỗi lần dùng bếp hoặc khóa van gas không đúng quy trình (tắt bếp rồi mới khóa gas nhưng vẫn còn gas trong dây dẫn).
Thực tế có nhiều trường hợp bình gas không khóa van, khí luôn tràn trong dây dẫn, một thời gian dài hoặc qua một đêm dây dẫn bị chuột cắn, khí gas sẽ rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện sẽ gây hỏa hoạn khiến gia chủ không trở tay kịp.
Để giảm nguy cơ mất an toàn vì sơ ý với việc khóa van, người dùng nên chú ý đóng van gas cẩn thận sau khi nấu ăn, kiểm tra khóa bếp đúng quy trình (khóa gas trước khi tắt bếp).
Không chú ý kiểm tra dây dẫn gas
Dây dẫn gas bị dập, gãy là nguyên nhân phổ biến nhất dễ dẫn tới cháy nổ khí gas. Nếu người dùng không chú ý thường xuyên kiểm tra phụ kiện này thì sẽ không thể phát hiện được những sự cố như: dây bị xoắn, gập, dây bị chảy do để quá gần nguồn nhiệt, mối nối giữa dây dẫn và bếp gas bị lỏng, chuột cắn,…
Do vậy, để tránh nguy cơ rò rỉ khí gas, bạn cần định kỳ kiểm tra dây dẫn gas, tránh để dây quá gần bếp nấu hay các thiết bị tỏa nhiệt, không để dây bị xoắn, gập. Đồng thời, người dùng nên mua dây dẫn gas chính hãng để đảm bảo an toàn cho gia đình mình.
Mua bình gas ở cửa hàng không rõ trên tuổi
Người dùng thường có thói quen gần đâu thì gọi bình gas ở đó cho tiện mà không để ý tới cửa hàng uy tín. Bởi đối với những cửa hàng không uy tín thường sang chiết lậu vào những loại bình không còn nguyên vẹn, dễ gây rò rỉ.
Không kiểm tra định kỳ bếp gas và các thiết bị có liên quan
Nên thường xuyên kiểm tra định kỳ bếp gas và các thiết bị liên quan.
Người Việt ít có thói quen kiểm tra chất lượng đồ dùng, không quan tâm đồ dùng, thiết bị của mình đã dùng bao lâu, chỉ cần nó còn dùng được thì vẫn sẽ dùng tiếp cho đến khi nào bị hỏng, không thể sử dụng tiếp thì mới thay thế cái khác. Cách suy nghĩ này làm tăng các nguy hiểm cho người dùng khi sử dụng bếp gas.
Vì bếp gas vận hành là nhờ vào việc sử dụng nhiên liệu là khí gas, khí gas nếu bị rò rỉ ra ngoài môi trường, tích tụ thành một lượng vừa đủ gặp tia lửa điện sẽ có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào.
Để bảo vệ chính mình và gia đình, bạn nên định kỳ kiểm tra bếp gas và các thiết bị có liên quan như các đường ống dẫn gas, bình gas, van… 2 tháng /1 lần.
Không vệ sinh bếp gas thường xuyên
Cần vệ sinh bếp gas thường xuyên để tăng tuổi thọ bếp.
Bếp gas bị bám bẩn, cặn thức ăn quá lâu từ bề mặt đến các bộ phận bên trong đều làm khiến tuổi thọ của bếp giảm và quá trình nấu nướng của bạn cũng trở nên khó khăn, kéo dài thời gian, hao phí nhiều nhiên liệu.
Bạn nên tập thói quen làm sạch bụi bẩn, cặn thức ăn ngay sau khi nấu nướng xong, sau một thời gian sử dụng thì vệ sinh đầu đốt, tránh để vết bẩn bám sâu, làm bít các khe trên đầu đốt.
Núm vặn cũng cần được tháo ra chùi rửa sạch sẽ để vặn xoay êm ái, nhẹ nhàng hơn.