Anh Võ Quốc Bình, một phụ huynh ở TP HCM vừa có đơn gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Lý do được anh Bình đề xuất như trên vì cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh thực chất không hoạt động đúng tôn chỉ qui định mà chỉ lập ra để vận động phụ thu và quyên góp của các phụ huynh khác những khoản tiền không được phép vận động.
Bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh là chưa thận trọng
Trước đề xuất của phụ huynh trên, GS.TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ngoài những khoản thu bắt buộc thì hiện nay ở trường học đang tồn tại các khoản thu theo hình thức tự nguyện. Tuy nhiên, trên danh nghĩa những khoản thu tự nguyện này đã bị “biến tướng” trở thành bắt buộc và rất khó kiểm soát.
|
Ý kiến của anh Võ Quốc Bình về việc khoản thu của trường học |
Thực tế là trong tất cả các phụ huynh hiện nay đang có sự phân hóa về điều kiện kinh tế, quan điểm và cách tiếp cận với những khoản thu. Trong khi có những phụ huynh ủng hộ một số khoản thu do trường đề ra vì họ cho rằng cần thiết cho học sinh nhưng có phụ huynh với điều kiện thu nhập, kinh tế khó khăn thì không thể đóng theo ý kiến của phụ huynh có thu nhập tốt hơn.
Hiện nay, đầu tư cho cơ sở vật chất của trường học không nên trông chờ nhiều vào ngân sách Nhà nước. Có những thứ cần thiết phải thu của phụ huynh một cách rõ ràng, hợp lý nhưng nhiều người lại cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước đã lo toan được hết cả rồi.
Chúng ta hãy xem khả năng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đến đâu, nhu cầu phát triển giáo dục ở các địa phương ra sao. Nếu cần thiết thì phải có sự đóng góp, huy động của xã hội.
Theo GS.TS Đào Trọng Thi, để ngăn chặn tình trạng lạm thu, ngành Giáo dục cần tăng cường các giải pháp để chống lạm thu. Khi chúng ta đã công khai, minh bạch các khoản thu một cách hợp lý thì ngành Giáo dục cũng cần có sự kiểm soát các khoản thu đó sao cho phù hợp với khả năng tài chính của phụ huynh.
|
GS.TS Đào Trọng Thi cho rằng, bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh là chưa thận trọng |
Trước đề xuất của phụ huynh ở TP HCM là nên giải tán Ban đại diện cha mẹ học sinh, GS.TS Đào Trọng Thi cho rằng, ý kiến này chưa thận trọng. Bởi nhiệm vụ, chức năng của Ban đại diện cha mẹ học sinh đâu có phải đi thu tiền, vận động thu các khoản. Ở một số trường học xảy ra tình trạng lạm thu là do Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện không đúng quy định.
Chính vì vậy, chúng ta không vì một việc làm không đúng quy định mà phủ nhận chức năng của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở những việc làm khác nữa.
Ở nhiều nước không có Ban phụ huynh, không có phụ phí đầu năm học
Là người sinh sống nhiều năm và có con học ở nước ngoài, TS Giáp Văn Dương, người sáng lập và đang điều hành cổng giáo dục trực tuyến mở đại trà giúp người học tiếp cận với những tri thức tiên tiến, mới mẻ trên thế giới cho biết, ở Áo, Anh, Singapore không thấy có Ban đại diện cha mẹ học sinh.
|
Nhiều phụ huynh đành phải đồng ý với những khoản thu bất hợp lý đầu năm học nhưng thực tế không hài lòng (ảnh minh họa: Internet) |
Nhà trường thường liên lạc với cha mẹ học sinh bằng thư, email hoặc điện thoại nếu cần gấp. Phụ huynh muốn biết về tình hình học tập, rèn luyện của con sẽ được bộ phận hành chính của nhà trường tiếp đón rất chu đáo. Nếu cần thì phụ huynh có thể gặp thẳng hiệu trưởng.
Có con đi học ở nước ngoài, TS Giáp Văn Dương chia sẻ: “Trong 4 lần xin học cho con thì có 2 lần tôi gặp trực tiếp hiệu trưởng, còn hai lần khác thì không, chỉ qua bộ phận giáo vụ”.
Ở nước ngoài, mỗi học kỳ, phụ huynh có cuộc gặp trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm. Mỗi phụ huynh sẽ có 15 phút để giáo viên cập nhật tình hình học tập, nêu rõ điểm mạnh, điểm yếu của học sinh. Tuyệt đối không có họp chung cả lớp, bàn cãi một số vấn đề căng thẳng như ở Việt Nam.
Ngoài ra, thỉnh thoảng trường học ở nước ngoài có tổ chức lễ hội hoặc sự kiện gì đó thì bố mẹ có thể tham gia cùng các con. Thường là để phụ huynh quan sát hoạt động của các con và cảm nhận, hoặc tranh thủ mua cái gì để gây quỹ cho các con làm thiện.
Ở các trường tư của Việt Nam cũng như vậy. Tuy nhiên, cái khác là ở Việt Nam thì phụ huynh gần như chủ trì gian hàng của lớp con mình, còn ở một số nước khác, phụ huynh không làm như vậy.
Ở một số nước không có Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, lại càng không có Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Trừ một nhóm nhỏ các phụ huynh quen nhau vì các con là bạn thân của nhau. Còn nói chung, các phụ huynh không biết mặt nhau.
|
TS Giáp Văn Dương cho biết, nhiều nước không phát sinh các phụ phí đầu năm học |
Tuy nhiên, ở Anh, phụ huynh có thể ứng cử vào Hội đồng trường để tham gia hoạch định và giám sát hoạt động của nhà trường. Trong Hội đồng trường có đủ phía cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, quan chức địa phương, phụ huynh, học sinh, một số nghệ sĩ hoặc nhân vật có tiếng…
Ở châu Âu, học sinh được miễn học phí nên tất nhiên là không phải đóng tiền học. Nếu có phải đóng góp gì thì đó là chi phí đi dã ngoại cho con.
Trước khi chuyến dã ngoại diễn ra khoảng 2 tuần, phụ huynh sẽ nhận được thông tin về sự kiện, lịch trình và đề nghị ký xác nhận đồng ý cho con tham gia, đồng ý cho trường chụp hình hoặc quay video tư liệu, kèm theo chi phí phải đóng. Bố mẹ bỏ số tiền đó vào phong bì, dán lại và đưa cho con cầm đến trường là xong. Đây là những thông báo của bộ phận hành chính. Thầy cô dạy chính tuyệt đối không bao giờ nói đến chuyện tiền hay thu phí với phụ huynh.
Riêng ở Singapore, học sinh phải đóng học phí. Mức phí đó là theo quy định của Bộ GD-ĐT. Nhà trường gửi thông báo, phụ huynh chuyển khoản hoặc thanh toán tự động. Chưa bao giờ thấy phát sinh các phụ phí đầu năm học như ở một số trường ở Việt Nam.