Theo đó, Cục An toàn thực phẩm nhận được phản ánh trên báo chí về việc Hikid thổi phồng công dụng, đưa ra thông tin gây hiểu lầm và có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Bài viết phản ánh tình trạng quảng cáo Hikid với những nội dung giật gân như "100g sữa Hikid bằng 20 lít sữa thông thường" - thông tin chưa được kiểm chứng, có thể tác động mạnh đến tâm lý phụ huynh có con nhỏ.
Quảng cáo sữa Hikid có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo. Ảnh chụp màn hình
Trên fanpage Hikid Vietnam, một số video còn sử dụng hình ảnh người mặc áo blouse trắng, tự giới thiệu là bác sĩ, khuyên dùng sữa Hikid để tăng chiều cao cho trẻ.
Theo quy định, Việt Nam nghiêm cấm sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Cục An toàn Thực phẩm đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sản phẩm vi phạm đã nêu trong bài viết.
Sữa Hikid do Công ty TNHH XNK & TM Phương Linh nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam. Trong thông cáo phát đi trên fanpage Hikid Việt Nam, công ty này "nhìn nhận sự thiếu sót" khi đưa ra thông tin so sánh “hàm lượng 2mg CBP/100g bột sữa tương đương hàm lượng CBP có trong 20 lít sữa tươi” khi chưa có cơ sở khoa học hoặc tài liệu quy đổi chính thức từ các cơ quan chức năng xác nhận con số cụ thể.
Cùng với công văn xử lý vụ Hikid, Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương khác rà soát thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa giả. Công tác hậu kiểm được nhấn mạnh, đặc biệt với nhóm sản phẩm tự công bố và đăng ký công bố, nhất là các mặt hàng có nguy cơ cao như thực phẩm bổ sung cho trẻ nhỏ.
Theo quy định hiện hành, việc tiếp nhận công bố, kiểm tra và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm do UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp chịu trách nhiệm. Bộ Y tế hàng năm đều có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường hậu kiểm, nhằm siết chặt quản lý với nhóm sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ gian lận, gây hại sức khỏe người tiêu dùng.