|
Một cửa hàng thời trang nam giảm giá nhân ngày Black Friday, giá sản phẩm được ghi ngay ngoài cửa. Ảnh: Hương Nguyễn |
Đua nhau giảm giá
Dạo qua thị trường ngày Black Friday (23/11) vừa qua cho thấy, các cửa hàng trên phố lớn ở Hà Nội như Chùa Bộc, Thái Hà, Cầu Giấy... đua nhau căng biển quảng cáo giảm giá “sốc” từ 50 - 90%. Nhằm hút khách trong ngày Black Friday, nhiều siêu thị, cửa hàng điện máy và trang thương mại điện tử Việt Nam đồng loạt tung ra khuyến mại. Các sản phẩm được khuyến mại trải rộng từ tivi, dàn âm thanh, điện thoại, laptop tới vật dụng gia đình thiết yếu... được giảm giá từ 20 - 70%. Một số siêu thị lớn tung khuyến mại cho hàng trăm sản phẩm, chẳng hạn siêu thị AEON (Long Biên) trong 3 ngày 23 - 25/11 khuyến mại 50% các mặt hàng: Thực phẩm, gia dụng, điện máy, thời trang…
Hệ thống các cửa hàng thời trang, túi xách nổi tiếng như Vascara, Juno... cũng giảm giá 50 - 80% các mặt hàng giày dép, túi xách. Hệ thống cửa hàng dệt may Canifa đồng loạt triển khai chương trình giảm giá từ 10 - 50% toàn bộ sản phẩm. Đại diện Canifa cho biết, trong 3 ngày diễn ra chương trình hướng ứng mua sắm Black Friday, lượng khách đến Canifa tăng gấp 3 - 4 lần so với những ngày trước đó.
Các trang thương mại điện tử Việt Nam như Tiki, Sendo, Lazada, Shopee cũng tung chương trình giảm giá khuyến mại vào thời điểm 0 giờ ngày 23/11.
Quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm
Mặc dù ngày Black Friday đã tạo cơ hội cho DN tiêu thụ, quảng bán sản phẩm, thương hiệu, tuy nhiên trên thực tế, tình trạng "thổi" giá sản phẩm sau đó khuyến mại giảm giá nhưng giá bán vẫn tương đương, thậm chí còn đắt hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường diễn ra khá phổ biến.
Anh Nguyễn Đức Thắng, phố Lương Định Của (quận Đống Đa) than phiền: Trên một số trang thương mại điện tử rao bán nhiều mẫu máy điện thoại với mức giảm giá từ 30 - 50% nhưng thực tế lại có giá bán không đổi hoặc thậm chí cao hơn thường ngày. Cụ thể, trên website thương mại điện tử Tiki thông báo giảm giá 28% điện thoại Pocophone F1 được từ 11,1 triệu đồng xuống còn 8 triệu đồng cho phiên bản RAM 6 GB, bộ nhớ trong 64 GB. Tuy nhiên trên thực tế, chiếc máy này khi bán ra chính hãng đã có mức giá 7,9 triệu đồng và được tặng kèm quà khuyến mại.
Không chỉ điện thoại, nhiều sản phẩm điện tử khác cũng bị các chủ cửa hàng tự ý nâng giá lên gấp 2 - 3 lần trước khi giảm giá 50% để dụ khách hàng. Mẫu Smart TV Samsung UA55NU7100 được quảng cáo với mức khuyến mại 44%, giảm giá từ 26 triệu đồng xuống còn 14,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tìm kiếm tại nhiều đại lý khác nhau, mức giá trung bình của sản phẩm này đang được rao bán trên thị trường khoảng 13,5 triệu đồng, rẻ hơn 1 triệu đồng so với giá khuyến mãi trên trang web.
Tình trạng khuyến mại “ảo” không chỉ phổ biến đối với các mặt hàng điện tử, nhiều chủng loại hàng khác cũng được áp dụng chiêu trò này. Tham khảo mức giá cho mẫu xe tải đồ chơi dành cho trẻ em Lego Technic 42029 đang ở mức 2,35 triệu đồng sau khi giảm tới 40%. Tuy nhiên, thực tế người tiêu dùng có thể mua sản phẩm này tại bất cứ cửa hàng bán đồ chơi Lego với mức giá tương tự mà không áp dụng bất kỳ mức khuyến mại nào.
Khi nói về trách nhiệm cơ quan quản lý các chương trình khuyến mại, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Các DN, hộ kinh doanh bán lẻ trên địa bàn TP không đăng ký khuyến mại ngày Black Friday (vì ngày này chưa phổ biến rộng như Tháng khuyến mại do TP tổ chức) mà chỉ đăng ký đợt khuyến mại giảm giá hàng hóa cuối năm. Cơ quan quản lý cấp phép và kiểm tra DN về thời gian khuyến mại, loại hàng hóa, chất lượng, mức giá giảm đúng theo đăng ký.
Phản ánh của người tiêu dùng cho thấy, việc DN tổ chức khuyến mại “ảo” để lôi kéo khách sẽ khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào các chương trình khuyến mãi. Khi đó sẽ gây ra tác dụng ngược là DN không thể tiêu thụ hàng hóa.