Tiêu thụ 150 triệu lít nước mắm công nghiệp mỗi năm
Với công nghệ làm giả dễ dàng và thu lợi nhuận "khủng". Trong thời gian qua, cơ quan chức năng của nhiều địa phương liên tục phát hiện và xử lý các cơ sở sản xuất sử dụng các loại hóa chất sản xuất nước mắm giả.
Ngày 13/6 vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) phối hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Hồ Chí Minh đến kiểm tra cơ sở nước nắm của ông Lý Văn Hùng (50 tuổi, quê Bình Định) tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Tại đây, đoàn kiểm tra bắt quả tang ông Hùng và bà Tâm đang sang chiết nước mắm từ trong bồn chứa ra 1.414 chai nhựa (loại 1 lít), đóng nắp, dán nhãn nước mắm hiệu Tân Phú.
Nơi sang chiết nước mắm của vợ chồng ông Hùng và hóa chất để sản xuất nước mắm giả. |
Theo bà Tâm, để sản xuất 500 lít nước mắm, bà dùng 1 bồn nhựa loại 1.000 lít, bơm nước máy và đổ 200kg muối hột vào ngâm từ 7 - 10 ngày. Sau đó, rút nước muối này qua bồn chứa loại 500 lít rồi pha 200gr bột chua, 100gr màu thực phẩm, 200gr bột chống mốc, 200gr đường hóa học và 2kg bột ngọt rồi dùng cây tre khuấy đều. Hỗn hợp này được bơm vào một bình chứa khác để lọc cặn rồi sang chiết ra các chai nhựa loại 1 lít rồi dán nhãn, hạn sử dụng, đóng nắp chai... thành nước mắm “cá cơm”.
Còn nhớ vào tháng 9 năm ngoái, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã tạm giữ Nguyễn Như Minh (45 tuổi, trú tại huyện Thanh Chương) về hành vi sản xuất, buôn bán nước mắm giả. Tại cơ quan điều tra Minh khai rằng, pha chế từ các loại nước mắm rẻ tiền trộn thêm nước, mì chính cùng với một ít nước mắm nguyên chất Nam Ngư, phụ gia sẽ cho ra sản phẩm Nam Ngư giả, trung bình mỗi ngày cơ sở của Minh tuồn ra thị trường 400 - 500 chai nước mắm giả.
Hiện nay, nước mắm Phú Quốc được xem là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất, sản lượng hàng năm trung bình 25 triệu lít. Tuy nhiên trên thị trường xuất hiện nhan nhản nước mắm đóng chai mang thương hiệu nước mắm Phú Quốc. Câu hỏi đặt ra là nước mắm đặc sản Phú Quốc lấy đâu ra mà nhiều vậy?
Tương tự, nước mắm Nha Trang, Phan Thiết... cũng được bày bán tràn lan trên thị trường từ quán tạp hóa nhỏ đến các đại siêu thị.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, sản lượng nước mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống tại các Hiệp hội trong nước chỉ đạt khoảng 50 triệu lít/năm. Trong khi đó, lượng tiêu thụ tại Việt Nam lên đến 200 triệu lít mỗi năm. Như vậy, có đến 150 triệu lít nước mắm được pha chế công nghiệp hương vị mắm (nước chấm) được tiêu thụ trên thị trường trong nước mỗi năm.
Siết chặt việc mua bán kinh doanh
Đây sẽ là đợt thanh tra riêng về sản phẩm nước mắm, nước chấm đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây. Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính |
Là người đam mê với nghề làm nước mắm truyền thống, ông Lê Vạn Nam - chủ DN sản xuất nước mắm Hạnh Phúc cho rằng: Để hạn chế các sản phẩm nước mắm làm giả, chúng tôi luôn đề cao chất lượng sản phẩm, công bố các thành phần cũng như độ đạm trên mỗi chai nước mắm rõ ràng. Cùng với đó, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mỗi sản phẩm nước mắm đặc sản của các địa phương.
Cũng theo ông Nam, bên cạnh đó, Nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ việc mua bán kinh doanh các loại hóa chất trôi nổi trên thị trường. Nếu như ở TP Hồ Chí Minh chỉ cần ra chợ Kim Biên tìm mua thì sẽ có đầy đủ hóa chất để pha chế thành nước mắm.
Chị Tống Minh Thành ngụ tại số phường 12, quận Gò Vấp, cho biết vào cuối tháng 5/2016 có mua 2 chai nước mắm ghi nhãn hiệu Nam Ngư tại một quán tạp hóa gần nhà. Nhưng mới sử dụng được 3 ngày, nước mắm đã sủi bọt trắng, mở nắp chai ra có mùi hắc bốc lên nồng nặc. "Do không biết chính xác đây là nước mắm Nam Ngư thật hay bị làm giả, tôi quyết định sẽ không sử dụng loại nước mắm đó nữa" - chị Thành cho biết.
Để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nước mắm, tới đây, Thanh tra Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng Cục An toàn thực phẩm, Chi cục ATVSTP các tỉnh, TP tiến hành thanh tra toàn bộ thị trường nước mắm, nước chấm đóng chai.