Hồ tiêu Việt Nam vốn nổi tiếng về chất lượng cay, thơm. |
Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), tình hình xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2017 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, rào cản. Hầu hết các thị trường nhập khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát chất lượng hồ tiêu nhập khẩu, nhất là ở thị trường Mỹ và EU.
Cụ thể, tại thị trường EU, nhiều năm trước dư lượng tối đa cho phép (MRLs) của hoá chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU chỉ là 0.1ppm, nhưng năm 2017 có thể sẽ không còn được như vậy. Uỷ ban châu Âu (EC) đang kiến nghị áp dụng MRLs cho phép của hóa chất này là 0.05ppm. Điều này có thể sẽ khiến một khối lượng lớn hạt tiêu của Việt Nam không vào được thị trường này trong năm 2017.
Không những vậy, hiện nay ngoài các quy định về dư lượng tối đa cho phép của một số hoạt chất trừ sâu bệnh (Carbendazim, Metalaxyl...) còn nảy sinh một số vấn đề mới liên quan tới quy định đối với các hoạt chất, như Pyrrolicidinealcaloids (PA), chất dầu khoáng lây nhiễm trong quá trình đóng gói, vận chuyển hoặc vấn đề chất PAH/Anthraquinone tạo khói nhiễm bẩn vào hạt tiêu trong quá trình sấy, chế biến sai quy cách.
Đáng chú ý, trong thư gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VPA cuối tháng 1/2017, Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) cho biết, trong năm 2016 tổ chức này đã lấy mẫu và phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen nhập vào EU thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng tối đa cho phép dưới 0.05ppm. Trong khi đó, đây lại là một trong những thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam, tiêu thụ gần 40.000 tấn, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu hàng năm.
Còn tại thị trường Mỹ cũng đang chuẩn bị ban hành hàng loạt quy định mới về yêu cầu chất lượng nông sản nhập khẩu, trong đó có hồ tiêu. Đây cũng là thị trường nhập khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam chiếm khoảng 24% thị phần, tương đương châu Âu.
Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành hồ tiêu, nhu cầu tiêu dùng loại gia vị này trên thị trường thế giới vẫn tăng nhưng phần lớn thị trường thế giới không chấp nhận mua hạt tiêu không đạt yêu cầu chất lượng, nhất là vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Trước tình hình này, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPA cho biết, trong năm 2017, ngành hồ tiêu sẽ tập trung vào việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cải thiện chất lượng hồ tiêu xuất khẩu đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức sử dụng hoá chất cho người trồng hồ tiêu, hoàn thiện quy trình canh tác hồ tiêu theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hỗ trợ ngành sản xuất hồ tiêu đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế… Bởi đây là vấn đề sống còn của ngành này trong thời gian tới. Chỉ khi nào đa số nông dân trồng tiêu thay đổi hành vi, canh tác theo GAP thì chất lượng hạt tiêu mới có thể cải thiện, xuất khẩu theo đó mới có thể bền vững.
Trong năm 2016, mặc dù giá cả biến động mạnh, nhưng ngành hồ tiêu Việt Nam đã đạt được thành tích xuất khẩu đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, đạt trên 179.000 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch trên 1,43 tỷ USD. So với năm 2015, xuất khẩu hồ tiêu tăng 34,19% về lượng và 12,83% về giá trị. Hiện hồ tiêu Việt Nam đã có mặt ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ.