Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, TS Lokky Wai cho rằng, vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân chính gây TNGT tại Việt Nam. Và muốn hạn chế TNGT, cơ quan chức năng nên giảm tốc độ lưu thông tối đa của phương tiện, đặc biệt là trong các khu đô thị, khu đông dân cư, trường học….
Cầu Thanh Trì là một trong những điểm được kiến nghị hạ vận tốc lưu thông tối đa để đảm bảo ATGT. |
TS Wai nhận định, chỉ cần giảm 5% tốc độ chạy xe trung bình sẽ có thể giảm được 30% số vụ TNGT chết người, vì vậy nên điều chỉnh giảm tốc độ tối đa của phương tiện khi đi qua những khu vực nói trên từ 60km/giờ hiện nay xuống còn 50km/giờ.
Theo quy định hiện nay, đường bộ trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc), trên đường đôi có dải phân cách giữa, các loại xe cơ giới được chạy tối đa 60km/giờ. Đường một chiều có 2 làn xe cơ giới trở lên, đường hai chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có một làn xe cơ giới được chạy tối đa 50km/giờ. |
Lý giải về nhận định này, TS Wai cho rằng, khi cầm lái với tốc độ cao, tài xế khó có thể dừng ngay và ảnh hưởng tác động quán tính mạnh hơn, khả năng gây ra vết thương nghiêm trọng, tổn thất tính mạng cao. Khi giảm tốc độ sẽ giảm thương vong, mức độ nghiêm trọng của các vụ TNGT.
“Hà Nội là khu vực tập trung đông dân cư, lượng giao thông lớn, hơn nữa các TP lớn trên thế giới cũng đã quy định giảm tốc độ 30km/giờ ở các khu vực gần trường học và khu đông dân cư” - TS Wai cho hay.
Thừa nhận việc chạy xe quá tốc độ cho phép là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT, nhưng một số chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm tốc độ lưu thông tối đa trong đô thị xuống 50km/giờ cần phải xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng. Có chăng, chỉ nên giảm tốc độ lưu thông tối đa ở những điểm đen thường xảy ra TNGT.
Kiến nghị của WHO tại Việt Nam và một số địa phương cũng đang mâu thuẫn với Thông tư 91 có hiệu lực từ ngày 1/3/2016 của Bộ GTVT. Theo đó, Thông tư này cho phép nâng tốc độ tối đa của xe cơ giới gồm ôtô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy, kể cả xe máy điện… thêm 10km/giờ ở khu vực đông dân cư.
Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh nhìn nhận, Bộ GTVT ban hành Thông tư 91 trong bối cảnh đường sá, hạ tầng giao thông đã được đầu tư tốt hơn. ATGT chính là an toàn tính mạng, tài sản của người dân nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng và thấu đáo.
“Bộ Công an và Bộ GTVT đang nghiên cứu, đánh giá tổng thể lại để chỗ nào có nguy cơ cao gây TNGT thì sẽ tính toán đến mặt tổ chức giao thông trong đó có việc giảm tốc độ” - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh thông tin.
Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho rằng, Thông tư 91 cho phép nâng tốc độ đối đa đường bộ đã đáp ứng kịp thời và phù hợp với quá trình thay đổi, phát triển về chất lượng của kết cấu hạ tầng giao thông và chất lượng phương tiện, góp phần giảm thiểu UTGT.
Tuy nhiên, thực tế còn một bộ phận người điều khiển phương tiện chưa nhận thức đúng đắn các quy định về Luật Giao thông đường bộ nói chung, Thông tư 91 nói riêng. Thậm chí, một số cá nhân điều khiển phương tiện còn cố tình vi phạm, nhất là hành vi chạy quá tốc độ cho phép, gây tai nạn, tạo ra dư luận xấu.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT Nguyễn Văn Thạch thông tin, Bộ đang đánh giá tốc độ ở các khu vực, đối với các điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT; nếu cần giảm tốc độ thì sẽ điều chỉnh.
Hiện, Tổng cục đang tiếp tục rà soát, loại bỏ các biển báo không phù hợp, bổ sung các biển báo mới giúp người điều khiển phương tiện dễ nhận biết, đồng thời, đẩy nhanh xóa điểm đen TNGT.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho hay: “Đầu tháng 3 vừa qua, nhận thấy trên đường Vành đai 3 Hà Nội do lưu lượng tham gia giao thông ngày càng tăng cao, một số vị trí mặt đường bị hằn lún, hư hỏng, chúng tôi đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh biển báo tốc độ tối đa cho phép trên tuyến đường này từ 90km/giờ xuống còn 80km/giờ, đồng thời bỏ biển tốc độ tối thiểu cho phép 60km/giờ”.