Tôi không nghĩ cụm từ "Cuộc chiến giành lại vỉa hè" mà báo chí đang tô vẽ là một ý hay! Nó còn tệ hơn nữa khi được gắn thêm hậu tố "cho người đi bộ". Bởi vì trong một cuộc chiến thì sẽ có kẻ người thắng kẻ thua. Nhưng đáng buồn thay, truyền thông đang vẽ ra một trận đấu tương tàn như vậy!
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM, đại diện cho phía chính quyền, luôn xuất hiện với một hình ảnh như một ông “Bao Công” mặt sắt, nhưng...chỉ đúng vế sau thôi! Tức là khuôn mặt ông cứ khó đăm đăm và đằng đằng sát khí. Đi theo ông sẽ có búa tạ, cần cẩu và đội khoan cắt bê tông.
Cái vỉa hè, và đại diện người dân thì xuất hiện đúng kiểu tội đồ, chờ ông “xách đao” qua “xử trảm”.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM chỉ đạo phá dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Vinh Quang |
Trong các clip được báo chí tung hê lên mạng, "kẻ tội đồ" hiền lành thì gãi đầu gãi cổ, dữ chút xíu thì tranh cãi tay đôi, có nhiều ông già bà cả được đăng hình quay clip đang "lọm khọm trèo lên bậc thềm những ngôi nhà có nền cao cả mét" vì bậc tam cấp bị bứng đi rồi! Đường phố thì được mô tả như một bãi chiến trường, ngổn ngang, nham nhở.
Tôi nghĩ đó là kiểu thương vay khóc mướn, phá hoại đội hình, không đi vào bản chất.
Chính quyền rõ ràng đang muốn thể hiện sự quyết tâm cho một thời kỳ đổi mới. Sao lại biến họ thành kẻ đi "giành lại" cái vỉa hè? Mà đã là "giành lại" thì phát sinh câu hỏi "giành lại" cho ai? À, cho người đi bộ!
Thế là cả người dân và các chuyên gia sẽ nhảy đông đổng lên phản biện là "chúng tôi không đi bộ". Rồi thì "đường có một gang tay làm sao mà đi bộ".
Bản thân những người ham đi bộ sẽ thấy mình bị biến thành "con tin". Chưa hết, trong nhiều vụ "tranh cãi" được truyền thông tường thuật, ông Đoàn Ngọc Hải liên tục mang "quyền lợi của mấy triệu dân" ra nói. Như thể cả mấy triệu dân Sài Gòn đứng “rồng rắn lên mây” sau lưng, chỉ chờ ông phá tam cấp vỉa hè để đua nhau đi bộ cho thoả thích!
Thế là "cuộc chiến" bị đẩy từ chỗ chính quyền với dân nhà giàu mặt phố qua thành dân nhà giàu mặt phố với mấy triệu dân nghèo ham đi bộ!
Nói chung là càng lúc càng rối loạn đội hình.
Thực ra, mỗi xã hội đều có những cột mốc, những giai đoạn, những sự chuyển mình mạnh mẽ cho những điều mới mẻ. Và cái gọi là "cuộc chiến vỉa hè" (tạm dùng theo số đông) mang dáng dấp một tín hiệu gần gần như vậy.
Trong quan điểm của tôi, "cuộc chiến vỉa hè" mang tính biểu tượng nhiều hơn một việc làm cụ thể. Lý ra, chúng ta (cả người dân, chính quyền và truyền thông) nên gọi nó là một "cuộc sửa sai" hay chữ nào đó tương tự thì sẽ tốt hơn.
Sao không mô tả nó như một nỗi đau chung của cả chính quyền và người dân cả nước? Không có bên thắng bên thua, không có bên sai bên đúng, và ông Đoàn Ngọc Hải - nên được nhìn như một vị cán bộ mẫn cán "nén đau thương" mà thực hiện nhiệm vụ được giao, hơn là trở thành một "ngôi sao" (lại còn "cô đơn") như vậy.
Trong "cuộc sửa sai" này, chính quyền cần nhận cái sai về mình trước.
Rõ ràng bao nhiêu năm qua, chính quyền đã "buông lỏng" để người dân tự do lấn chiếm vỉa hè, trông giữ xe và mở quán bia hơi trái phép. Mà theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thì những cái sai đó còn được "bảo kê", “chống lưng”.
Chính quyền nhận sai trước, người dân nhận sai sau. Hai bên cùng sai, hai bên cùng có lỗi, hai bên cùng chia sẻ nỗi đau, để kỳ vọng cho một sự đổi thay vào những điều mới mẻ.
Và trong cuộc sửa sai đấy, nạn nhân là "những bậc tam cấp vỉa hè".
Đó là các vật vô tri, vì không biết nói, tôi cho rằng chúng ta nên tạc tượng để nhắc nhở nhau đừng bao giờ mắc phải một sai lầm như vậy nữa.
Còn ông già, bà cả, con thơ... họ sẽ có cách để leo lên leo xuống, dù chính quyền có hỗ trợ hay không, vì đó là cuộc sống. Ai bị ảnh hưởng "quyền lợi" thì cũng sẽ kêu nhưng rồi họ cũng sẽ vẫn phải tìm cách mà sống, mà tồn tại ngay thôi.
Quan trọng hơn, chính quyền phải cam kết sẽ không để cái sai này tái diễn, chứ sao lại "đổ vấy" trách nhiệm ấy chỉ về phía người dân?
Ông Đoàn Ngọc Hải thay vì nói "sẽ cởi áo về vườn" nếu không giành lại được vỉa hè, nên chăng cứ mặc áo đầy đủ và hứa giữ bằng được "cái vỉa hè biểu tượng" ấy cho thế hệ mai sau thì có hợp lý hơn không?
Thế hệ chúng ta và chúng tôi đã sai rồi, nhưng để có một tương lai thực sự tốt đẹp và tươi sáng cho con cái, tôi tin là người dân sẽ sẵn lòng đập bỏ không chỉ những bậc tam cấp vỉa hè.
Họ sẵn sàng hy sinh nhiều hơn thế!.