Thông tin khu vực công trường Quách Thị Trang (vòng xoay trước chợ Bến Thành) và trạm điều hành xe buýt thành phố chuẩn bị được phá bỏ để dành diện tích thi công nhà ga ngầm Bến Thành - một trong những công trình trọng điểm của thành phố trong tương lai tuy đã xôn xao qua nhiều lời bàn tán của người Sài Gòn từ những ngày đầu dự án được công bố, nhưng đến hôm nay mọi thứ mới chính thức được bắt đầu.
Rồi những hình ảnh bình yên mỗi sáng khi đi qua bùng binh này sẽ chỉ còn là ký ức đẹp mỗi khi nhắc đến bộ đôi chợ Bến Thành - Công trường Quách Thị Trang. |
Có lẽ không ít người đã từng gắn bó, yêu quý và đang sinh sống trên mảnh đất Sài Gòn, đặc biệt là những cư dân khu vực chợ Bến Thành sẽ cảm thấy nhói lòng khi một trong những biểu tượng của Sài Gòn chỉ ngày mai thôi, sẽ không còn nữa. Nó là một trong số ít những địa cuối cùng còn giữ được chất cổ kính rất riêng của Sài Gòn giữa nhịp sống nhanh đến chóng mặt như hiện nay.
Quy luật khắc nghiệt của sự phát triển là vậy, những thứ đã cũ sẽ đến lúc phải ra đi để nhường chỗ cho một tương lai mới. Viễn cảnh nhà gà ngầm hiện đại hàng tỉ đô la thay đổi bộ mặt Sài Gòn có thể làm nguôi ngoai những ai đã từng có kí ức khó phai với khu vòng xoay muôn năm cũ này chăng?
Phối cảnh nhà ga ngầm trung tâm Bến Thành của tuyến metro số 1. |
Để chuẩn bị cho việc phá bỏ, cuối năm 2014, hai tượng đài biểu tượng của bùng binh đã lần lượt được di dời về những địa điểm khác nhau. Tượng đài Trần Nguyên Hãn được đưa về bảo quản ở công viên Phú Lâm, quận 6 còn tượng bán thân nữ liệt sĩ Quách Thị Trang thì được chuyển về công viên Bách Tùng Diệp, quận 1.
Địa điểm lịch sử của thành phố Hồ Chí Minh
Bùng binh chợ Bến Thành là tên gọi thân thuộc mà người Sài Gòn thường nói khi chỉ đường cho nhau. Quảng trường nhộn nhịp được xây dựng từ những năm đầu thế kỉ hai mươi với tên gọi Eugène Cuniac (Place d’ Eugene Cuniac) - Nơi này đã trải qua rất nhiều biến động trước khi được đổi tên thành Công trường Quách Thị Trang - tên của một nữ sinh yêu nước đã hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ.
Tượng đài nữ liệt sĩ Quách Thị Trang được xây dưng vào tháng 4/1964 để kỉ niệm một năm ngày mất của cô nữ sinh 15 tuổi đã dũng cảm đứng lên bảo vệ độc lập, tự do cho quê hương. |
Trước khi mang tên gọi của người liệt sĩ yêu nước, bùng bình lịch sử này được đặt tên theo họ của thị trưởng Sài Gòn thời Pháp thuộc - ông François Jean Baptiste Cuniac.
Khu đất trước cổng chính chợ Bến Thành này vào những năm 1920 là nơi tổ chức rất nhiều lễ hội vui chơi cho người Sài Gòn. Nào là xiếc giải trí, cải lương tài tử, ca múa nhạc, nào là những trận đấu quyền anh nảy lửa được tổ chức tại đây.
Trong những ngày đầu xuất hiện, đây chỉ là khi đất trống đế giải trí cho người dân Sài Gòn. |
Là mặt tiền của ngôi chợ nổi tiếng nhất Sài Gòn, cùng với sự tồn tại của chợ Bến Thành, công trường Quách Thị Trang cũng đã có tuổi đời hơn 100.
Mỗi khi nhắc đến khu vực này, một Sài Gòn hoa lệ, sầm uất lại hiện ra trong ký ức của những người đã sinh sống và làm viêc trên mảnh đất này từ ngày còn nằm nôi. |
Từ một quảng trường trống đến một địa điểm lịch sử và cuối cùng là vòng xoay liên kết những con đường trung tâm. Chẳng có người Sài Gòn nào chưa ít nhất một lần đi qua nơi đây. Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người, đây còn là điểm đến mơ ước vào dip Tết, với không khí nhộn nhịp, với những hàng bán bóng bay rực rỡ sắc màu. Với khách du lịch, đây lại là nơi mà nếu không chụp hình check-in cho bằng được thì xem như chưa đến Sài Gòn.
Trước đây, người ta từng xây dưng một cầu vượt nối từ cổng chính chợ Bến Thành sang bùng binh. Tuy nhiên, công trình này đã mau chóng bị phá bỏ vì lý do mỹ quan và an ninh. |
Cùng với Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập,… chợ Bến Thành và công trường Quách Thị Trang đã tạo nên tam giác vàng của Sài Gòn, là khu vực đắt đỏ, sầm uất nhất và đồng thời cũng là nơi lưu lại nhiều ký ức của người Sài Gòn nhất.
Dẫu biết quy luật phát triển là điều hiển nhiên, dẫu biết rồi đây trên nền móng của địa điểm lịch sử này, một trang sử mới cho thành phố sẽ được dựng nên nhưng nỗi buồn thì chắc chắn vẫn sẽ tồn tại đấy, vì những gì đang được phá bỏ là một phần cuộc đời của mỗi người Sài Gòn.