Học sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. |
Ông đánh giá như thế nào về phương án thi THPT Quốc gia năm 2019?
- Sau khi đọc phương án, tôi thấy có việc lớn cần xem xét thêm, đó là phạm vi đề thi. Trước đây, trong đề thi THPT Quốc gia có một số môn đề hỏi cả chương trình lớp 11, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 20%. Năm nay, theo Bộ GD&ĐT, đề thi có một phần kiến thức lớp 11 và lớp 10 sẽ rất khó cho HS và giáo viên. Mục tiêu là giảm áp lực cho học trò nhưng phương án đề thi 2019 chưa thực hiện được, thậm chí gây hoang mang, khó khăn. Có 20% câu hỏi trong đề thi ở lớp dưới cũng chỉ để định hướng cho HS học toàn diện nhưng thực chất không kiểm soát được. Trong khi đó, những kiến thức cơ bản đã được giáo viên chăm chút ôn đi ôn lại nhiều lần.
Tôi quan niệm, mục đích chính của thi là đánh giá năng lực HS, buộc các em phải học tập đến nơi đến chốn, rèn những kỹ năng cần thiết, chứ không phải phạm vi kiến thức. Vì thế, Bộ nên quy định đề thi nằm trong chương trình lớp 12. Khi đề thi có câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 10, 11 mà HS không trang bị đầy đủ đó là lỗi của HS và giáo viên.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có đề thi dễ nhưng năm 2018 lại rất khó. Theo ông, đề thi năm 2019 nên được ra theo hướng nào?
- Tôi mong muốn đề thi phù hợp với năng lực HS và có sự phân hóa. Không nên có những đề thi đổi mới quá và lạ lẫm. Đề thi phải gắn với thực tiễn, phát triển tư duy HS để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Mã đề thi trắc nghiệm phải nhiều lên chứ không phải chọn loanh quanh một số câu rồi trộn với nhau. Trong mỗi đề thi cần có tỷ lệ câu hỏi phân hóa để các trường đại học dựa vào đó chọn được sinh viên. Muốn làm được điều đó, bộ phận ra đề thi phải gia công và tạo ra dư luận xã hội thừa nhận kết quả đó. Về phía các trường phải tổ chức ôn tập, rèn cho HS theo hướng đề thi. Chúng ta không lo sợ loạn điểm 10. Trường hợp nếu đề thi đúng và phù hợp thì có bao nhiêu điểm 10 cũng đều chấp nhận được.
Với việc Bộ GD&ĐT dự kiến xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì 50% như trước đã là bước tiến lớn, thưa ông?
- Việc Bộ GD&ĐT đặt trọng điểm thi THPT lên tới 70% để xét tốt nghiệp là điều tích cực. Nhưng, quan điểm của tôi, bản chất của giáo dục là để cho HS nỗ lực học, học vì sự phát triển năng lực của mình, cách tính điểm tốt nghiệp THPT chỉ tập trung vào điểm thi quốc gia. Trường hợp HS giỏi được cộng thêm 2 điểm, khá cộng 1 điểm. Bộ không nên quy định cộng điểm lớp 12 để kỳ thi THPT quốc gia thực sự có vị trí và vai trò của nó. Hiện nay, một số HS không có động cơ học tập, có suy nghĩ kiểu gì cũng đỗ tốt nghiệp lớp 12. Chúng ta phải chấp nhận một tỷ lệ HS không nỗ lực học tập bị trượt. Đừng vì thành tích nơi nào cũng tốt nghiệp 99%, 100% và không cần phải lấy tỷ lệ đỗ cao để xếp hạng các địa phương.
Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT vẫn chọn cộng 30% điểm lớp 12 để tính xét tốt nghiệp THPT nhằm cứu HS là không nên, vẫn mắc bệnh thành tích. Phải làm sao thúc đẩy con người phát triển mới là điều quan trọng. Bộ cần mạnh dạn có tư tưởng này, đừng sợ HS bị trượt, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp mà không đưa ra những giải pháp có tính chất căn cơ và để người học phải chịu trách nhiệm.
Để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi, Bộ GD&ĐT chủ trương lắp đặt camera giám sát, liệu có triệt để chống được gian lận thi cử?
- Cách đây 3 năm, chúng tôi đã kiến nghị đưa camera vào giám sát. Năm nay, Bộ quyết định lắp camera để kiểm soát các phòng chấm thi và nơi lưu giữ đề thi, bài thi là rất tốt. Tuy nhiên, camera nên phủ đến các phòng thi để việc coi thi thật tốt; các địa phương có thể đi mua hoặc thuê camera. Nhưng điều đáng nói, cần đảm bảo công nghệ không bị lợi dụng vì người ta có thể xóa đi, dùng hình ảnh thay thế.
Xin cảm ơn ông!
Thủy Trúc thực hiện