Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên diễn ra sáng 9/11, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, thông tin: lúc 7 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão số 12 (tên quốc tế là Etau) ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 7h ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Bão số 12 sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ từ chiều ngày 9/11 đến 12/11. Lượng mưa từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa phổ biến từ 200-400mm/đợt, có nơi trên 400mm; Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
"Đêm 11 rạng sáng 12/11 lại xuất hiện áp thấp ngoài khơi Philippines vào biển Đông khả năng mạnh lên thành bão mạnh cấp 11 giật cấp 12-13 và di chuyển cao hơn bão số 12”, ông Khiêm nói.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên cho biết: “Chúng ta không chỉ bàn phương án ứng phó với bão số 12 và cần chuẩn bị ứng phó với bão số 13 có thể vào biển Đông và sức gió lớn hơn. Cần gấp rút thực hiện giải quyết hậu quả, khôi phục đời sống người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai trong thời gian qua”.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia.
Kết luận tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo an toàn trên tuyến biển do hiện nay người dân đang vô cùng nóng ruột để ra khơi vì tàu thuyền nằm trên bờ rất lâu.
Ngoài ra cần phải đảm bảo an toàn tàu vận tải biển và tàu pha sông biển; nhanh chóng và kịp thời thông tin tới toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên tuyến biển. Lồng bè thủy hải sản khu vực này rất nhiều, cần chú ý đảm bảo an toàn vì bà con có thể chủ quan do cơn bão vừa qua chỉ ảnh hưởng nhẹ.
Ông Hoài chỉ đạo: “Đơn vị tại các đảo phải thông báo kịp thời để khách du lịch trở về bờ và phải chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người dân vì thời tiết thiên tai có thể kéo dài”.
“Trên bờ số lượng các nhà dân bị sập đổ do cơn bão số 9 chưa được khôi phục, nhiều người dân vẫn còn đang phải đi sơ tán, chúng ta phải đảm bảo an toàn và đảm bảo cuộc sống cho họ.
Bên cạnh đó cần xây dựng kịch bản sơ tán dân an toàn cho 2 loại hình: không an toàn do bão và không an toàn do ngập lụt. Khu vực miền núi cần tính ngay các phương án để đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét”, lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai nói.
Ban Chỉ đạo Trung ương cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo an toàn cho sản xuất, thu hoạch khẩn trương lúa đã chín và có giải pháp bảo vệ theo đúng thực tiễn, cụ thể tại các địa phương cho các đàn gia súc gia cầm.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong tháng 10, miền Trung hứng chịu 4 cơn bão, một vùng áp thấp và một áp thấp nhiệt đới, hai đợt mưa lũ lớn ngày 6 đến 13/10 và ngày 16 đến 20/10. Hai đợt mưa lũ làm 138 người chết, 16 người mất ích, thiệt hại vật chất khoảng 15.500 tỷ đồng. Trong đó, bão Molave (bão số 9) khiến 40 người chết, 43 người mất tích và 140 người bị thương; ước tính thiệt hại vật chất 12.530 tỷ đồng.