Thứ 2, 25/11/2024, 17:11 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại TPHCM: Ma trận tem, đeo vòng truy xuất... đối phó

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại TPHCM: Ma trận tem, đeo vòng truy xuất... đối phó
(Tieudung.vn) - Cho dù nhiều sản phẩm nông nghiệp tại TP.HCM đã áp dụng truy xuất nguồn gốc nhưng người tiêu dùng vẫn đang lẫn lộn và mơ hồ về phương pháp này.

Mô tả ảnh
TPHCM triển khai để người dân yên tâm hơn khi mua hàng Ảnh: MINH QUÂN

Trước tình trạng sạch - bẩn lẫn lộn khiến người không biết đâu mà lần, TPHCM đã triển khai 2 đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo và rau, củ, quả bằng thông minh, được đông đảo người dân ủng hộ. Tuy nhiên, do đây là một ứng dụng hoàn toàn mới mẻ với người nông dân và doanh nghiệp nên việc thực hiện truy xuất nguồn gốc gặp nhiều vướng mắc. Không ít thương nhân cho heo đeo vòng nhận diện nguồn gốc theo kiểu đối phó, còn các đơn vị kinh doanh rau thì tự dán một kiểu tem truy xuất riêng, làm cho “chẳng biết tin vào ai”.

Hơn 50% heo đeo vòng truy xuất để đối phó

Lúc đầu, Sở Công thương TPHCM vận hành thí điểm đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại 349 cơ sở kinh doanh thuộc hệ thống phân phối hiện đại tại TPHCM cho kết quả khá tốt. Bởi hoạt động chăn nuôi, giết mổ và cung cấp thịt heo vào hệ thống kênh phân phối hiện đại đã được chuẩn hóa, các đơn vị tham gia là những doanh nghiệp lớn, có uy tín và thực hiện nghiêm túc các quy trình của đề án. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua thịt heo tại các hệ thống này thường yên tâm, tin tưởng và cũng ít có nhu cầu kiểm tra.

Sau khi thực hiện ở các kênh phân phối hiện đại, truy xuất nguồn gốc heo đã được triển khai ra kênh phân phối ở các chợ. Theo đó, người nuôi và bán heo vào TPHCM có trách nhiệm mua và đeo vòng truy xuất ở chuồng, sau đó kích hoạt vòng trước khi bán heo. Nhưng ở khâu phân phối tại chợ, nhiều người đeo vòng nhận diện theo kiểu đối phó khiến nguồn gốc heo rất nhập nhằng.

Tại hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền (cung cấp khoảng 80% thịt heo cho TPHCM), việc đeo vòng nhận diện cho heo thời gian đầu được các chủ thể tham gia thực hiện rất nghiêm túc, nhưng dần dần lại bị buông lỏng. Ông Nguyễn Chí Thành - Trưởng phòng quản lý chất lượng chợ đầu mối Bình Điền cho biết, khi triển khai có 113 thương nhân đăng ký thực hiện và làm rất tốt. Nhưng càng ngày, số lượng thương nhân thực hiện đúng quy định càng giảm. Có tình trạng heo đeo vòng nhưng không có thông tin.

“Nguyên nhân là 80% heo nhập từ Long An, do các thương lái mua từ các hộ nhỏ lẻ. Các hộ này chỉ nuôi vài chục con, khu vực chăn nuôi không có sóng wifi, 3G nên bà con không kích hoạt vòng nhận diện” - đại diện chợ đầu mối Bình Điền lý giải. Tương tự, theo ông Lê Văn Tiễn - Phó GĐ chợ Hóc Môn - khi mới triển khai đề án, mỗi đêm có 5.000 con heo vào chợ và 100% heo được đeo vòng. Nay lượng heo về chợ tăng lên 5.500-5.700 con, nhưng chỉ 50% được đeo vòng. Trong số đó cũng chỉ có 20% số heo đeo vòng có thông tin để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc.

Sở Công thương TPHCM thừa nhận, tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, thời gian qua Ban quản lý đề án đã phải áp dụng giải pháp thông qua thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện để làm cầu nối hướng dẫn các hộ chăn nuôi đăng ký tham gia đề án. Còn tại các chợ bán lẻ, đề án phải sử dụng lực lượng của Công ty Vissan làm nòng cốt để tiểu thương và người tiêu dùng làm quen với quy trình truy xuất nguồn gốc.

“Từ khi triển khai đến nay, mới có 123/1.131 cơ sở chăn nuôi đăng ký thực hiện đề án (chiếm 11%) thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán heo. Và trong số này thì chỉ khoảng 69% cơ sở chăn nuôi đeo vòng, phần còn lại 31% do thương lái thực hiện. Sở Công thương cũng nhận được đăng ký tham gia đề án của 25 cơ sở giết mổ của TPHCM và các tỉnh, nhưng số cơ sở kích hoạt khai báo thông tin nguồn gốc đều rất thấp, cao nhất là Đồng Nai đạt 50%, thấp nhất là Long An chỉ 25%” - ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng Phòng Quản lý Thương mại Sở Công thương TP - giãi bày.

Còn ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục thú y TPHCM nêu ra một thực tế rằng, chỉ có 45% số heo đeo vòng nhận diện có đầy đủ thông tin về nguồn gốc trang trại. Hơn 50% còn lại đeo vòng chỉ để đối phó (vòng không có đủ thông tin phục vụ cho việc truy xuất). Trong khi đó, việc xử lý đang gặp nhiều khó khăn vì chỉ có thể lập biên bản, nhắc nhở chứ không thể xử phạt hành chính những cá nhân, đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện cho có.

Ông Phát dẫn chứng: “Nếu người bán thịt có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp luật nhưng vì không có vòng nhận diện mà ta không cho vào chợ, thịt heo sẽ bị ôi thiu, gây thiệt hại cho cơ sở, chính chúng ta có thể bị kiện”. Tương tự, nếu người dân đưa heo vào cơ sở giết mổ mà không được vào vì heo không có vòng nhận diện, khiến heo vì tồn đọng tại cơ sở chăn nuôi mà phát sinh ổ dịch, khả năng người dân khiếu nại, kiện tụng cũng rất dễ xảy ra...

Mô tả ảnh
Thịt heo dán tem truy xuất bày bán trong một siêu thị ở TPHCM Ảnh: MINH QUÂN

Tem truy xuất rau: Mạnh ai nấy dán

Theo Sở NN&PTNT TPHCM, có hai đơn vị thực hiện thí điểm công nghệ truy xuất nguồn gốc rau, củ quả là hợp tác xã (HTX) Phước An (huyện Bình Chánh), HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi). Đơn vị hỗ trợ xây dựng mã vạch QR code là công ty TNHH cao DAA và Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified). Đến nay, sản lượng mỗi ngày của 2 HTX đạt từ 8 đến 10 tấn, gấp đôi sản lượng tại thời điểm công bố triển khai, chiếm 60% sản lượng bán ra của các HTX. Về tiêu thụ, chỉ tính riêng hệ thống siêu thị Co.op Mart đã tăng bình quân 10-15% sản lượng.

Tuy vậy, có một thực trạng hiện nay là tem truy xuất nguồn gốc do các HTX “tự xử”, từ việc in ấn, dán nhãn, kiểm tra… Thậm chí, có đơn vị còn in tới 4 loại tem tem truy xuất nguồn gốc tùy theo yêu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy nên xảy ra tình trạng cùng một loại rau, cùng một HTX nhưng có lúc dán tem truy xuất nguồn gốc của công ty DAA, lúc thì của TraceVerified, lúc lại của chính HTX hoặc của siêu thị… “Vừa rồi tôi đi siêu thị mua bó rau thì thấy dán tem truy xuất nguồn gốc của Công ty DAA. Nhưng thời gian sau, cũng mua cùng loại rau đó nhưng lại thấy tem của TraceVerified. Chẳng biết nên tin vào ai nữa” – chị Thanh (Q.Gò Vấp) bày tỏ.

Không chỉ người tiêu dùng lo lắng, ngay cả HTX trồng rau cũng quay cuồng với con tem truy xuất. Ông Nguyễn Quốc Toản – Phó giám đốc HTX Phú Lộc, kể: “Mỗi ngày, HTX đưa ra thị trường từ 5 – 6 tấn rau có dán tem truy xuất nguồn gốc (16 chủng loại) cho các siêu thị và một số đơn vị khác. Trong đó, chúng tôi phải in cho siêu thị này một mã tem riêng, các siêu thị khác một mã riêng với số liệu, mẫu mã, màu sắc, kích thước đều khác nhau. Ngay cả thời hạn sử dụng trên tem cũng phải khác, có siêu thị yêu cầu hai ngày, có nơi đòi ba ngày nên rất tốn thời gian, công sức. Chưa hết, nông dân khi làm ruộng đồng ghi trên một phần mềm, đến khi nhập vào dữ liệu truy xuất lại làm trên một phần mềm khác rất dễ sai sót”.

Là đơn vị cung cấp quy trình truy xuất nguồn gốc cho HTX Phước An và Phú Lộc, theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT TraceVerified, mã QR dán trên sản phẩm rau có cùng một kích cỡ, chỉ có nhãn dán thì khác nhau, do đó các siêu thị cần thống nhất nhãn chứa mã QR để các HTX thuận tiện hơn khi in. Với vấn đề ghi chép quá trình sản xuất, vì đang trong quá trình thí điểm nên TraceVerified chưa hướng dẫn cụ thể do hệ thống khá phức tạp.

Phải làm vì người tiêu dùng

Theo ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP, Sở sẽ bàn bạc đơn vị cung cấp dịch vụ dần bổ sung, chuẩn hóa những giải pháp truy xuất để tạo lập một quy chuẩn chung, thuận tiện hơn cho người sản xuất và tiêu dùng, đồng thời cũng là công cụ kiểm tra của cơ quan quản lý. Trong giai đoạn 2, mô hình sẽ tiếp tục nhân rộng nhưng đi từng bước vững chắc, bằng biện pháp động viên khuyến khích, tạo điều kiện cho tất cả các HTX có đủ điều kiện cùng tham gia.

Đối với đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia đề án rất thấp, lại không được chăn nuôi theo chuẩn VietGAP, do đó cần vận động tham gia đề án có trọng điểm tới các hợp tác xã, trang trại chăn nuôi chứ không vận động tràn lan như hiện nay.

Trong khi đó, theo Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, nếu các chợ, cơ sở giết mổ đề ra quy chế, quy chuẩn thật cụ thể đối với heo, thịt đầu vào thì vẫn có thể thực hiện được mục tiêu đặt ra mà không ngại vướng quy định pháp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành chăn nuôi heo đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, TP cũng cần tính toán lại lộ trình thực hiện. Ông Tuyến cho rằng, quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc cần kiên trì, bởi đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật, công nghệ mà còn là quá trình thay đổi nhận thức, thói quen của bà con nông dân, các đơn vị chăn nuôi, thương lái và bà con tiểu thương.

Ông Tuyến yêu cầu các chợ đầu mối đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tập huấn cho bà con thương lái tham gia đề án. Dù trước mắt chưa cấm ngay, nhưng phải có lộ trình hạn chế dần việc đưa vào chợ những loại thịt heo không có vòng nhận diện hoặc có vòng mà không có thông tin truy xuất. “Không thể nói là lứa heo này du di cho qua, lứa heo tiếp theo cũng không chịu đeo vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc. Người dân phải hiểu rằng, muốn theo đuổi nghề chăn nuôi thì phải theo quy trình sạch, an toàn” - ông Tuyến nhấn mạnh.

Tags:
4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.11145 sec| 852.453 kb