Nhưng thực tế, không phải lúc nào người bán cũng cung cấp hóa đơn cho người tiêu dùng, đồng thời, một số người tiêu dùng thường không có thói quen yêu cầu cung cấp hoặc thậm chí không lưu trữ hóa đơn khi được cung cấp. Điều này đã gây ra rất nhiều bất lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa cần bảo hành, khiếu nại, khiếu kiện, giải quyết tranh chấp...
Theo Khoản 2, Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch mà người tiêu dùng đã mua và sử dụng là một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng. Người bán có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin này cho người tiêu dùng. Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu,...(Khoản 1 Điều 20 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cũng quy định nghĩa vụ cung cấp hóa đơn của người bán. Khoản 1, Điều 32 : Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá.
Xem thêm: Người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ như thế nào?
Như vậy, việc cung cấp bằng chứng giao dịch, trong đó có hóa đơn là trách nhiệm của người bán hàng. Hành vi không cung cấp hóa đơn bán hàng cho người tiêu dùng là biểu hiện của sự thiếu minh bạch và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường của người bán hàng; gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước. Mặc dù pháp luật đã quy định chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi gian lận,trốn thuế này nhưng trên thực tế hiện tượng này vẫn xảy ra công khai và thường xuyên.
Điều 13, Thông tư 166/2013/TT - BTC quy định về xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế đã quy định tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế khi bán hàng, dịch vụ phải lập và giao hóa đơn hợp pháp cho khách hàng. Nếu không xuất hóa đơn khi bán hàng và bị phát hiện sau khi nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế thì sẽ bị coi là hành vi trốn thuế và phải chịu xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Hóa đơn là một phần quan trọng trong giao dịch, nhưng người tiêu dùng và người bán thường xuyên bỏ qua. Khi có tranh chấp xảy ra người tiêu dùng luôn là người chịu thiệt vì không có hóa đơn đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không có bằng chứng giao dịch, người bán hàng sẵn sàng chối bỏ trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Nhiều vụ việc tranh chấp người tiêu dùng khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền nhưng do không cung cấp được hóa đơn (bằng chứng giao dịch) nên không đủ cơ sở pháp lý để đấu tranh bảo vệ quyền lợi.
Người tiêu dùng hàng ngày vẫn phải đối mặt với những thách thức từ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại dưới nhiều hình thức. Việc thực thi các quyền của người tiêu dùng và chế tài xử phạt đối với hành vi gian lận không cung cấp hóa đơn của người bán hàng còn vấp phải nhiều thách thức khó khăn.
Đã đến lúc người tiêu dùng phải biết rằng hóa đơn là quyền lợi để được hưởng những chính sách sau bán hàng, và là bằng chứng đầu tiên trong giải quyết khiếu nại. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình, người tiêu dùng cần rà soát các tài liệu kèm theo hàng hóa xem đã bao gồm hóa đơn chưa. Nếu chưa có, yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn; Sau khi mua hàng: Lưu giữ hóa đơn trong suốt vòng đời sản phẩm, hoặc ít nhất là đến hết thời hạn bảo hành.