Giá cước vận chuyển tăng phi mã khiến nhiều người tiêu dùng ''ngã ngửa'' - Ảnh: Hòa Thắng
“Ngã ngửa” khi giá cước tăng 5 lần
Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, anh Nguyễn Hữu Thắng (trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có thói quen đặt mua thực phẩm sạch ở tỉnh Yên Bái về để gia đình sử dụng. Nhờ người quen trên đó, anh Thắng chọn được nguồn thực phẩm đảm bảo về chất lượng và giá cả. Bên cạnh đó, cước vận chuyển cũng tương đối mềm khi có kênh chuyển hàng qua xe khách. “Nhà tôi hay mua cá hồi, cá tầm trên đó rồi nhờ người quen gửi xuống Hà Nội bằng xe khách. Xe chạy về bến Yên Nghĩa nên ra lấy cũng gần mà cước mỗi lần gửi hàng chỉ mất 50 ngàn đồng. Hợp lý và nhanh chóng” – anh Thắng kể.
Bẵng đi một thời gian không thể mua hàng vì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, mới đây, khi lệnh giãn cách được nới lỏng, anh Thắng liên hệ với người quen trên TP Yên Bái nhờ mua hộ ít cá hồi. Tuy nhiên, lần này anh thật sự bị sốc khi nghe thông báo về giá cước. “Người nhà tôi thông báo, giá cước vận chuyển đã tăng tới 5 lần. Từ 50 ngàn đồng lên tận 250 ngàn đồng. Mà muốn gửi phải đăng ký từ trước để họ sắp xếp bởi mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến xe ship thực phẩm xuống Hà Nội thôi. Trong khi trước kia gửi theo xe khách, mỗi ngày có rất nhiều chuyến, thoải mái lựa chọn” – anh Thắng nói. Và mặc dù rất bất ngờ trước giá cước chuyển hàng tăng khủng khiếp như vậy, nhưng anh Thắng vẫn phải tặc lưỡi chấp nhận, bởi gia đình đang rất cần.
Không giống như anh Thắng, chị Trương Thùy Linh (trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội) vốn làm nghề bán hàng online. Mặt hàng chị Linh buôn bán là hải sản tươi sống, được nhập từ Quảng Ninh, quê chị Linh lên Hà Nội để giao cho khách. Đợt bùng phát vừa qua của dịch bệnh Covid-19 khiến chị Linh phải dừng kinh doanh một thời gian. Khách hàng và cả người quen liên tục hỏi mua hàng khiến chị rất sốt ruột. Vì thế khi Hà Nội vừa thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, chị đã liên hệ về quê, nhờ người quen chuẩn bị hàng gửi lên để giao cho khách.
Thế nhưng, khi liên hệ với đơn vị vận chuyển, chị Linh thật sự ngã ngửa bởi không ngờ giá cước lại tăng cao. “Bình thường tôi gửi một thùng xốp từ quê lên Hà Nội chỉ mất 100 ngàn đồng là hàng về tận cửa nhà. Giờ họ đòi 150 ngàn đồng nhưng phải ra điểm tập kết của họ lấy. Mang được về dến nhà chắc phải mất thêm 100 ngàn đồng nữa. Tính ra mỗi kilogam tôm bán được 250 ngàn đồng thì mất gần 100 ngàn đồng tiền ship rồi” – chị Linh cho biết. Vì tiền cước vận chuyển quá cao nên chị Linh quyết định chưa bán hàng trở lại dù hàng ngày chị vẫn nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn của khách hàng thúc giục.
Các chuyên gia cho rằng giá cước tăng phi mã là dấu hiệu bất thường, cần phải được kiểm tra, làm rõ - Ảnh: Lê Thanh
Dấu hiệu bất thường
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tình trạng cước vận chuyển tăng phi mã không chỉ xảy ra với vận chuyển hàng hóa đường dài mà còn với cả dịch vụ shipper. Đại diện các hãng vận chuyển lí giải rằng, phí ship được điều chỉnh theo thuật toán cung cầu nên giá cước mới tăng lên như vậy. Đại diện một đơn vị vận chuyển cho rằng, trong mùa dịch, bản thân các shipper gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm khi hành nghề.
Bên cạnh đó, thời gian và công sức bỏ ra cũng nhiều hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như khả năng bị phơi nhiễm; đồng thời shipper phải dậy từ sớm để đi xét nghiệm Covid-19, quãng đường di chuyển khó khăn do nhiều chốt chặn, kiểm soát. Bên cạnh đó, hiện tại chi phí dịch vụ của đơn vị sẽ phải cân đối giữa nhu cầu của người dùng và đảm bảo thu nhập cho tài xế và phía công ty cũng phải trang trải các chi phí về vận hành, phát triển các tính năng sản phẩm, dịch vụ. Điều này khiến giá cước của hãng vận chuyển này buộc phải điều chỉnh tăng lên cho phù hợp với tình hình thực tế trước mắt.
Trong khi đó, ông Phan Tường Bách - Giám đốc vận hành AhaMove cho biết, một nguyên nhân khiến giá cước tăng là do số lượng shipper của hãng được cấp phép hoạt động ít, chỉ khoảng 2.000 người tại Hà Nội và không phải lúc nào 100% số lượng này cũng tham gia vận chuyển. Bởi shipper của hãng có người trong vùng phong tỏa, cách ly, người lại về quê, có người sợ dịch bệnh không đi làm. Trong khi đó, nhu cầu trong những ngày này tăng đột biến dẫn đến cung cầu chênh lệch, nên mức giá cũng thay đổi. "Mức giá tăng không duy trì và cố định trong một khoảng thời gian dài, mà sẽ thay đổi liên tục tùy theo thời điểm trong ngày, theo lượng cung cầu, thời tiết, khu vực. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ điều chỉnh và khống chế mức trần đơn giá tăng không quá 1,5 - 2 lần" - đại diện AhaMove thông tin.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc cước vận chuyển trong mùa dịch tăng cao hơn bình thường là điều dễ hiểu nhưng nếu để tăng phi mã, tăng quá lớn một cách vô lí là có vấn đề. “Mùa dịch việc đi lại bị hạn chế, lực lượng vận chuyển hàng hóa và đi giao hàng tận nơi (shipper) cũng gặp nhiều khó khăn, rào cản hơn nên cước tăng một chút để bù lại công sức của họ là chấp nhận được. Song nếu để cước tăng gấp nhiều lần một cách vô lí là không được” – ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định.
Theo chuyên gia giao thông này, tất cả hãng hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa đều phải đăng ký và kê khai giá cước với các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc điều chỉnh giá cước cũng phải được sự cho phép của các cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải muốn tăng thế nào là tăng. “Việc cước vận chuyển đột ngột tăng phi mã như thế này là rất bất thường, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc làm rõ để tránh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Trong trường hợp này, người tiêu dùng chính là những người chịu thiệt nhất và cần được bảo vệ nhất” – ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định.