PV: Việc cơ quan quản lý tại địa phương tiến hành xử lý thầy giáo Nguyễn Văn Thanh (Trường THCS Nguyễn Huân thuộc huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) do hành vi bán khẩu trang y tế với giá 3.000đ/cái là cao, luật sư có ý kiến như thế nào?
Luật sư Trần Đình Dũng: Tôi đã đọc khá nhiều thông tin trên báo chí về sự việc này. Thông tin cho biết thầy giáo Nguyễn Văn Thanh đưa con đi học ở TP Cà Mau cách nhà gần 50km và đã mua 2 hộp khẩu trang với giá 130.000 đồng/hộp 50 cái (tương đương 2.600 đồng/cái). Sau đó, thầy Thanh đem về "chia" lại cho học sinh giá 3.000/cái. Trong đó, con gái của thầy giáo có lần bán 4.000 đồng/cái do không có tiền mệnh giả nhỏ để trả lại. Tới thời điểm bị "kiểm điểm", thầy giáo Thanh đã bán được 20 cái khẩu trang, thu về tiền chênh lệch gần 10.000 đồng.
Luật sư Trần Đình Dũng
Sự việc xảy ra đã được Hiệu trưởng nhà trưởng ra văn bản kiểm điểm thầy giáo, Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau vào cuộc xác minh, Phòng GD&ĐT huyện vào cuộc. Tôi cho rằng cơ quan chức năng tại địa phương đã “phản ứng" quá nhiều trong một sự việc nhỏ như thế này.
Về mặt pháp luật thì hiện luật không qui định một chiếc khẩu trang ý tế bán lẻ giá bao nhiêu đồng. Vậy thì cho rằng, thầy giáo này bán khẩu trang y tế giá cao là cao ra sao.
Luật sư có thể cho biết cụ thể qui định của pháp luật về giá cả, niêm yết giá bán hàng trong trường hợp này?
- Nhà nước qui định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Còn lại hàng hóa không thuộc diện bình ổn giá do thương gia tự quyết định giá. Danh mục các loại hàng hóa bình ổn qui định tại Điều 3 Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, gồm: Xăng, dầu thành phẩm tiêu thụ nội địa ở nhiệt độ thực tế bao gồm: xăng động cơ (không bao gồm xăng máy bay), dầu hỏa, dầu điêzen, dầu mazut; Điện bán lẻ; Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); Phân đạm urê; phân NPK; Thuốc bảo vệ thực vật, bao gồm: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ; Vac-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; Muối ăn; Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; Đường ăn, bao gồm đường trắng và đường tinh luyện; Thóc, gạo tẻ thường; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Khẩu trang y tế không thuộc danh mục bình ổn giá nên thương nhân tự định đoạt giá sản phẩm của mình theo tinh thần Điều 11 Luật giá 2012.
Tại Điều 17 Nghị định 177/2013/NĐ-CP qui định việc niêm yết giá khi phân phối hàng hóa, các điểm niêm yết giá: Cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm); Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ...
Trở lại trường hợp thầy giáo Nguyễn Văn Thanh bán khẩu trang y tế giá 3.000 đồng/cái. Như phân tích ở trên, tôi khẳng định không thể cho rằng giá này cao hay thấp, đúng giá hay không, bởi không có giá luật định một chiếc khẩu trang y tế nhãn hiệu đó bao nhiêu để so sánh.
Vụ bán 20 khẩu trang lời 8.000 đồng: Cần hủy bỏ việc xử lý vi phạm với thầy Thành
(Tieudung.vn) - Sau khi Chuyên trang Tieudung.vn thuộc báo Kinh tế và Đô thị, đăng tải bài “Cà Mau: Bán 20 khẩu tranglời 8.000 đồng, thầy giáo bị kiểm điểm”, đã có rất nhiều bạn đọc là nhà giáo, viên chức, công chức, luật sư… phản ứng cách hành xử của Trường THCS Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cũng như một số cơ quan chức năng của tỉnh này. |
Vậy yếu tố trục lợi trong tình hình dịch bệnh trong trường hợp này như thế nào?
- Đây là thắc mắc mà chắc rằng nhiều người quan tâm. Trục lợi ra sao ở đây. Tôi nói thẳng, ngồi tính lại giá bán 20 cái khẩu trang y tế với 3.000 đồng mỗi cái, ông thầy giáo còn lỗ nặng, kể cả bán hết 2 hộp. Tính sòng phẳng theo luật pháp nhé, chi phí mua 2.600 đồng/cái, cộng với chi phí vận chuyển (xăng xe, hao mòn phương tiện), chi phí bán hàng, mà giá bán ra 3.000 đồng/cái, giá bán không thể cao hơn chi phí của thương nhân bán lẻ hàng hóa tại địa phương. Vậy sao có thể nói người ta trục lợi.
Một vấn đề mà ít ai để ý đó là ngôn ngữ của người miền Tây Nam bộ. Trong tờ trình, thầy giáo Nguyễn Văn Thanh sử dụng từ “chia”. Từ này ở địa phương vùng này không có nghĩa buôn bán kiếm lời mà hàm ý “san sẻ lại”. Cho nên quá cưỡng ép khi đưa trường hợp này vào diện kinh doanh để quản lý thị trường tỉnh Cà Mau tiến hành nghiệp vụ xác minh.
Tôi khẳng định một lần nữa, không có căn cứ pháp lý nào xác định thầy giáo Nguyễn Văn Thanh bán khẩu trang y tế giá cao. Mà đây có thể do nhầm lẫn thói quen của nhiều người xưa nay (thời điểm không có dịch) mua khẩu trang y tế giá khoảng hơn 1.000đ loại chất lượng không cao nên có cảm giác giá cao.
Tôi cho rằng cơ quan chức năng tại Cà Mau nhanh chóng rút lại các văn bản xử lý đối với trường hợp này.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng cần ban hành Quyết định tạm thời trong trường hợp khẩn cấp để qui định giá khẩu trang y tế chỉ được bán lẻ ở mức cao nhất là bao nhiêu, để chấn chỉnh các cửa hàng, nhà thuốc trong thời gian phòng dịch bệnh truyền nhiễm.
PV: Xin cảm ơn luật sư.
Hà Nam thực hiện