Chủ nhật , 08/12/2024, 05:14 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Công nghệ sinh học - đòn bẩy phát triển nông sản bền vững

Công nghệ sinh học - đòn bẩy phát triển nông sản bền vững
(Tieudung.vn) - Tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững được nhận định sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là "đòn bẩy" để tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Chiều ngày 28/11, Tọa đàm: “Ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành chế biến lương thực ” vừa được diễn ra nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế về Khoa học và Công nghiệp sinh học ngành Công Thương (Biotech Expo) tại TP Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu đến từ các bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia và giới truyền thông, khẳng định tầm quan trọng ngày càng gia tăng của công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Trần Long - Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam Trung ương Hội Kinh tế Việt Nam – Asean nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng, Việt Nam cần tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Việc này đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ, không chỉ về công nghệ mà còn cả về nhận thức và chiến lược phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí CO2 để bảo vệ môi trường.

Công nghệ sinh học - đòn bẩy phát triển nông sản bền vững

Tọa đàm "Ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành chế biến lương thực thực phẩm”, chiều ngày 28/11

Chính quyền TP Hồ Chí Minh đã tiên phong trong việc hỗ trợ và thúc đẩy Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”. Đề án này đặc biệt chú trọng vai trò của công nghệ sinh học trong việc nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững của TP.

Tọa đàm đã tập trung phân tích những ứng dụng cụ thể của công nghệ sinh học trong từng khâu của chuỗi giá trị nông sản, từ khâu sản xuất đến chế biến. Các chuyên gia đã trình bày những vai trò của công nghệ sinh học, những ảnh hưởng của nguyên liệu nông sản tác động đến chế biến sâu trong ngành công nghệ thực phẩm, cùng với các kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến vào việc cải tiến giống cây trồng, tăng năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh.

Trong phần trình bày của TS. Bùi Hồng Quân - giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã làm rõ hơn vai trò của công nghệ sinh học trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. TS. Quân đã đưa ra nhiều ví dụ cụ thể về ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, bao gồm việc sử dụng các loại enzyme trong quá trình sản suất các sản phẩm được sử giúp tăng hiệu suất chiết xuất, giảm độ đục,…nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Công nghệ sinh học - đòn bẩy phát triển nông sản bền vững

Chuyên gia trình bày về công nghệ trong sản xuất chế biến và bảo quản nông sản tại sự kiện

Bên cạnh đó cũng không thể thiếu các công nghệ sấy tiên tiến như sấy lạnh, sấy thăng hoa (freeze-drying) và sấy khô truyền thống phù hợp với từng loại nông sản. Việc ứng dụng công nghệ sấy hiện đại sẽ giúp bảo quản tốt hơn chất lượng và giá trị dinh dưỡng của nông sản, gia tăng giá trị về mặt kinh tế, mở rộng cơ hội xuất khẩu nông sản Việt sang các khó tính.

Theo KS Phạm Song Quyền – Phó giám đốc Công Ty Nông Sinh Khang, việc chọn tạo và cải tiến giống cây ăn quả cũng vô cùng quan trọng trong việc nâng tầm giá trị nông sản. Hiện nay, nhiều loại cây ăn quả chủ lực của Việt Nam như thanh long, bơ, chuối, xoài… vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng, năng suất, khả năng bảo quản và vận chuyển. Các giống mới cần được nghiên cứu để khắc phục những nhược điểm này, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Các giống cây ăn quả tiềm năng cũng cần được nghiên cứu và phát triển để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người nông dân,…

Tọa đàm kết thúc với thông điệp về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nông sản. Đây là chìa khóa để Việt Nam có thể phát triển nông nghiệp bền vững, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, và nâng cao của người dân. Cũng là một lời kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các bên liên quan để đưa công nghệ sinh học thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tags:
4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
0.91234 sec| 791.508 kb